Buổi sáng đầu ngày, bất chấp giờ cao điểm phương tiện qua lại khó khăn, nhiều người đang đi trên đường Nguyễn Thái Học, quận 1, TP HCM bỗng tấp xe vào lề trước công viên 23-9, nơi có những xe hàng rong bán nước uống, đồ ăn sáng để mua đem theo khiến đoạn đường thêm ùn ứ.
Thành chuyện thường ngày
Dù ở đâu, không khó để nhận thấy sự tùy tiện trong cách hành xử của một số người dân. Đó có thể là hình ảnh những quán ăn vô tư nướng, chiên, bày biện ra lề đường, dễ gây ức chế cho người xung quanh. Đó cũng có thể là cảnh "xả bậy" ngay lề đường, dù có nhà vệ sinh công cộng; khạc nhổ, vứt rác thải bừa bãi ra đường, xuống sông, cống rãnh; hút thuốc lá mọi nơi, mọi chỗ…
Rồi thói quen muốn quẹo xe là quẹo, đi tắt, leo lề, vượt đèn đỏ khi không có CSGT, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, trèo qua dải phân cách… miễn nhanh, tiện cho mình. Thói tùy tiện ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ cho đến hành động của không ít người, thường xuyên và nhiều đến nổi thành chuyện thường ngày, chẳng ai để ý.
Xây dựng ý thức bỏ rác đúng nơi quy định (ảnh minh họa, chụp tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đáng buồn hơn nữa là dù biết làm như vậy là gây phiền phức cho người khác, là vi phạm pháp luật, thậm chí có thể xảy ra tai nạn nhưng dường như những người vi phạm lại không mảy may cảm thấy xấu hổ về hành vi của mình.
Chị Lê Thị Mỹ Quỳnh (TP Thủ Đức, TP HCM) bức xúc kể: "Tôi sợ nhất là cảnh người chạy xe máy phía trước bỗng nhiên kéo khẩu trang, khạc nhổ ra đường. Thật sự rất "kinh", khi người thực hiện hành vi ấy chỉ quan tâm đến việc tìm sự dễ chịu cho mình mà không màng đến người đi sau có thể hứng trọn những thứ này".
Từng là nạn nhân của tàn thuốc lá, đến nay nhắc lại, chị Hà Anh (giáo viên một trường cấp hai ở TP HCM) vẫn chưa thôi ấm ức. "Đầu giờ chiều, trên đường đến trường, trời nắng chang chang, vừa dừng đèn đỏ, tôi bất chợt thấy người chạy xe máy phía trước phì phèo điếu thuốc. Tôi chưa kịp tránh thì tàn thuốc bay vô áo dài lụa, người hút thuốc thì thản nhiên như không… Nghĩ dại, anh ta mà ném điếu thuốc đang cháy dở giữa dàn xe máy đậu chờ đèn đỏ, chẳng may bén lửa gây ra cháy nổ thì…" - chị Hà Anh nhớ lại.
Xây dựng ý thức, cụ thể hóa trong luật
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, phân tích những hành vi kể trên đều xuất phát từ lòng ích kỷ và văn hóa tùy tiện.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Vui, hầu hết những hành vi "chưa đẹp" được hình thành từ nhỏ, không được dạy dỗ từ gia đình; xã hội dễ dãi với những hành vi này. Trong vô thức, nhiều người tin rằng điều này được chấp nhận và dần hình thành thói quen. Thậm chí, nhiều người không biết rằng hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến người khác.
"Để hướng tới nếp sống văn minh, phải đặt lợi ích chung của xã hội lên hàng đầu. Mỗi người cần có ý thức chấp hành, tự nhìn nhận ra mức độ gây hại từ hành vi của chính mình và hình thành các thói quen, như: khạc ra trong khăn giấy, bọc lại và vứt vào thùng rác; bỏ rác đúng nơi quy định… Muốn được vậy, phải thay đổi từ gốc, mà giáo dục là nền tảng đầu tiên. Song song đó, cần có những quy định, thông tin rõ ràng về hình thức xử phạt cũng như thực hiện nghiêm túc việc xử phạt" - thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Vui đề xuất.
Luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết theo các nhà nghiên cứu, thói tùy tiện của một bộ phận người Việt bắt nguồn từ điều kiện sống của họ. Theo đó, đời sống người Việt vốn phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, khiến thói tùy tiện mang tính truyền thống, truyền từ đời này qua đời khác mà đến bây giờ vẫn còn ảnh hưởng khá nặng nề.
Bên cạnh yếu tố truyền thống thì cũng còn do áp dụng pháp luật chưa nghiêm minh, chế tài xử phạt chưa chặt chẽ, nhiều hành vi xấu chưa bị pháp luật điều chỉnh. Ví dụ, với hành vi khạc nhổ nơi công cộng, trong các văn bản pháp luật của Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào. Vì thế, người thực hiện hành vi này không bị coi là vi phạm pháp luật và không phải chịu chế tài xử lý. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã cụ thể hóa hành vi khạc nhổ nơi công cộng vào các quy định của pháp luật. Ví dụ, pháp luật Singapore quy định khạc nhổ ở nơi công cộng bị phạt 1.000 - 5.000 SGD tùy số lần vi phạm. Chính việc pháp lý hóa các hành vi này đã giúp Singapore trở thành đất nước sạch sẽ, đáng sống.
"Để hạn chế thói tùy tiện, đầu tiên cần xây dựng ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền. Tiếp đó, bổ sung vào các quy định pháp luật. Khi có các quy định pháp luật sẽ tăng cường trách nhiệm cũng như ý thức tự giác của mỗi người; cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm; đồng thời tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quản lý an ninh, trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, cần trang bị thêm nhiều thùng rác, nhà vệ sinh nơi công cộng" - luật sư Trương Văn Tuấn đề xuất.
Bình luận (0)