. TS NGUYỄN TÙNG LÂM, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:
Giáo dục giữ vai trò quan trọng
Gần đây, báo chí đồng loạt thông tin về việc một nữ hành khách nhảy lên băng chuyền hành lý ở sân bay Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng để tạo dáng, quay clip. Hành động của cô gái khiến dư luận rất bức xúc. Điều đáng nói, không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng hành khách cố tình đứng, ngồi lên băng chuyền hành lý tại sân bay để quay clip. Đây là ví dụ điển hình cho thói ứng xử tùy tiện nơi công cộng của một số người.
Ở các nước phát triển, việc ứng xử có văn hóa nơi công cộng biểu hiện sự văn minh và ý thức trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng. Ở nước ta, việc ứng xử có văn hóa nơi công cộng cũng được các cơ quan quản lý, các địa phương coi trọng qua việc phát động những phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị cũng như ứng xử phù hợp với truyền thống văn hóa. Tuy nhiên, vẫn còn một số người cố tình phớt lờ mọi quy định, có những hành xử thiếu văn hóa nơi công cộng, thậm chí vi phạm pháp luật như chửi thề, chen lấn, xô đẩy, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, xả rác bừa bãi ra đường, vẽ bậy lên tường, ăn mặc phản cảm nơi công cộng...
Để loại bỏ thói quen tùy tiện trong ứng xử, cần tạo môi trường văn hóa lành mạnh để mỗi người sống, làm việc tốt hơn. Nâng cao nhận thức của mỗi người dân về tầm quan trọng của việc ứng xử có văn hóa nơi công cộng. Rõ ràng không gian, môi trường công cộng chỉ thực sự trong sạch, lành mạnh, nhân văn, tiến bộ khi có sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân với tinh thần, ý thức tự giác, trách nhiệm.
Giáo dục trong gia đình, nhà trường rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ, có thể tạo dựng cho trẻ lối ứng xử văn minh, thanh lịch hay tùy tiện, ích kỷ, thực dụng.
Trước sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội, sự xâm nhập của lối sống lai căng, thực dụng, mỗi gia đình cần quan tâm hơn đến việc trao truyền những giá trị văn hóa cho con em, dành nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những biến động trong tâm sinh lý của con em mình để có những cách giáo dục, uốn nắn phù hợp.
Nhà trường cần chú trọng hơn đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng ứng xử, hành vi giao tiếp đúng chuẩn mực cho học sinh. Tăng cường những giờ học ngoại khóa, những buổi dã ngoại học tập kinh nghiệm thực tiễn và xử lý các tình huống phát sinh từ cuộc sống, hình thành những thói quen tốt với cách hành xử văn minh, lịch thiệp.
Rác chất đống bên đường gây ô nhiễm môi trường cũng do ứng xử tùy tiện, ích kỷ của một số người. Ảnh: HOÀNG THÁI HÙNG
. Luật sư TRỊNH ĐỨC TIẾN, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ (TP Hà Nội):
Chế tài, xử lý nghiêm
Ứng xử văn minh nơi công cộng không chỉ giúp xã hội ngày càng văn minh, hiện đại và tốt đẹp hơn mà còn góp phần hình thành những nhân cách đẹp, hoàn thiện, phát triển của mỗi người. Việc ứng xử có văn hóa nơi công cộng thể hiện sự chung sức của người dân trong việc xây dựng một xã hội văn minh cũng như quảng bá hình ảnh đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Xây dựng ứng xử văn hóa, loại bỏ thói quen tùy tiện là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, bắt đầu từ giáo dục, tuyên truyền từ đó làm thay đổi nhận thức của mỗi người. Để làm được điều này, chúng ta cần bắt đầu bằng việc tạo dựng nền tảng văn hóa với những giá trị, chuẩn mực đạo đức và hệ thống pháp luật đủ mạnh, được thực thi một cách tự giác, nghiêm minh. Cần lên án và loại trừ những biểu hiện lệch chuẩn trong hành vi giao tiếp, ứng xử; song song đó, thường xuyên thực hành và lan tỏa những giá trị, hình ảnh đẹp.
Điều quan trọng không thể thiếu là xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật với những điều khoản quy định chặt chẽ về cách ứng xử của mỗi người khi giao tiếp ở nơi công cộng. Cần có chế tài, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy tắc xã hội, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để vừa giáo dục vừa răn đe, giúp mỗi người biết điều chỉnh hành vi, suy nghĩ để sống và làm việc tốt hơn.
Xây dựng ý thức phải từ bậc tiểu học. Còn đối với người lớn, phải có quy định và chế tài xử phạt để uốn nắn. Nếu không, trẻ em sẽ học theo thói xấu của người lớn".
Bạn đọc THUAN NGUYEN HOAI
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-8
Bình luận (0)