Tổng cục Du lịch vừa gây sốc khi công bố số liệu về mức độ hài lòng của du khách quốc tế đến Việt Nam. Những con số không thể nào đẹp hơn, làm ngạc nhiên cả những người giàu tưởng tượng nhất. Con số này nếu chính xác thì không chỉ quốc gia dẫn đầu ngành du lịch ASEAN là Malaysia phải “ngả nón” mà ngay quán quân về du lịch của thế giới là Pháp cũng phải nghiêng mình bái phục với ngành du lịch Việt Nam!
Cuộc khảo sát không đáng tin
Tác giả của các số liệu này là Trung tâm Xúc tiến đầu tư thuộc Tổng cục Du lịch. Cơ quan này cho rằng cuộc khảo sát được tiến hành bằng 6 thứ tiếng tại 7 cửa khẩu quốc tế với sự tham gia của 1.000 công ty lữ hành, 63 Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thực hiện với gần 14.000 khách quốc tế và Việt kiều. Cuộc khảo sát đại quy mô, mang tầm vóc quốc gia này công bố du khách đánh giá du lịch Việt Nam ở mức tốt và rất tốt là 94,09%, mức trung bình là 5,69%, mức kém và rất kém chỉ 0,22%.
Dù chưa kịp đọc vì đang làm hướng dẫn viên cho một đoàn khách ở nước ngoài, tôi cũng nhận được nhiều tin nhắn, điện thoại và cả thư điện tử của đồng nghiệp, học trò lẫn khách hàng thân thiết hỏi han, chất vấn về những số liệu trên. Tôi đọc đi đọc lại, ngẩn ngơ và không biết nói thế nào. Tôi thử hỏi du khách thì đa phần đều cười khó hiểu. Có du khách còn thẳng thắn: “Số liệu nào mà các cơ quan như trên công bố chẳng đẹp như mơ, quan tâm làm gì cho mệt!”.
Tôi gọi điện thoại hỏi lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp thì đa phần né tránh. Hỏi lãnh đạo doanh nghiệp thì nhiều người bức xúc, có người chưa nghe nói gì. Giám đốc một doanh nghiệp thuộc diện có tiếng toàn quốc chua chát: “Lại tự sướng kiểu điếc không sợ súng ấy mà!”.
Được khen, ai chẳng sướng? Người ta khen nước mình lại càng tự hào nhưng phải khen đúng. Khen như Đài Truyền hình ABC của Mỹ với Sơn Đoòng thì người Việt nào mà không phấn khởi? Đằng này, mình tự khen mình quá lố như thế thì chẳng lấy gì vui.
Xin đừng đùa dai
Tôi rất nghi ngờ “cuộc khảo sát” trên của Tổng cục Du lịch. Khảo sát có nhiều dạng, mỗi dạng có nội dung và hình thức riêng. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh tham gia kiểu được chăng hay chớ thì còn có thể hiểu, chứ số tròn 1.000 doanh nghiệp lữ hành tham gia thì thật khó tin. Đại diện một số doanh nghiệp lữ hành nói thẳng, họ không hề biết “cuộc khảo sát” này.
Nếu thật sự cuộc khảo sát được thực hiện với 14.000 du khách thì các số liệu liên quan về độ tuổi, nghề nghiệp, quốc tịch, lý do du lịch và các chi tiết cụ thể của mẫu điều tra… sao chưa công bố cho thuyết phục? Chỉ số hài lòng tuyệt đối đến 94,09%, còn chỉ số yếu kém cực kỳ thấp 0,22% - thấp hơn cả xác suất lỗi trong hàng hóa điện tử được lập trình chuẩn xác.
Số liệu quá đẹp này lại mâu thuẫn với lượng khách quay lại Việt Nam là 32,98% (thực tế thấp hơn rất nhiều), trong đó 18,10% quay lại lần 2 và 5,77% quay lại lần 3. Càng mâu thuẫn với lượng khách quốc tế giảm sút trong 4 tháng đầu năm 2015 là 12,2% so với cùng kỳ.
Theo kinh nghiệm nhiều năm làm du lịch của mình, tôi thấy nếu tỉ lệ du khách hài lòng cao như thế thì lượng khách quay lại phải hơn 70% và lượng khách đến phải tăng ít nhất 35% thay vì giảm 12,2% như báo cáo.
Bạn đọc càng băn khoăn và khó hiểu khi Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng “cuộc điều tra là cơ sở để tổng cục tham khảo, đánh giá, phân tích và đề ra chiến lược của ngành”. Nếu dựa vào số liệu trên để hoạch định chiến lược thì ngành du lịch Việt Nam trong vài năm tới phải đặt chỉ tiêu dẫn đầu thế giới về hiệu quả.
Trong khi thực tế, chúng ta chỉ mong gia nhập được vào tốp đầu của ASEAN mà bao đời lãnh đạo ngành du lịch còn chưa làm được. Về hiệu quả, du lịch Việt Nam thua cả Lào và Campuchia, chỉ hơn được Indonesia. Xin các vị đừng công bố các số liệu trên mây, xuống đất giùm cho các doanh nghiệp và du khách bớt khổ. Đừng đùa dai với những người đã đóng thuế để trả lương cho mình như vậy!
Cần nhìn thẳng vào sự thật
Du lịch Việt Nam có những mặt mạnh nhưng quá nhiều yếu kém. Khách nội địa còn chê thì nói chi đến khách nước ngoài? Ngành du lịch cần nhìn thẳng vào sự thật, biết mình đang ở đâu và đang kém cái gì thì mới biết mà sửa sai và nỗ lực để vượt qua, còn cứ cách làm như lâu nay thì sẽ mãi tụt sau các nước.
Vị trí đứng đầu tốp cuối ASEAN đang bị lung lay và nguy cơ đội sổ là có thể. Tôi phản đối những ý kiến bôi đen du lịch Việt Nam một cách ác ý và càng không thể chấp nhận kiểu tô hồng tùy tiện. Cả 2 thái cực trên đều là những cản trở đối với ngành du lịch Việt Nam trong nỗ lực đuổi kịp bạn bè trong khu vực.
Bình luận (0)