Nhiều người vui nhưng cũng không ít người buồn hoặc lo lắng. Đó cũng là chuyện bình thường. Ai đi làm công ăn lương mà không mong tiền thưởng cuối năm để chi trả nợ nần, mua sắm cho gia đình có cái Tết vui vẻ, đủ đầy. Tuy nhiên, không ít người quá quan tâm đến việc thưởng nhiều hay ít mà quên mất những điều lẽ ra cần xử sự văn minh hơn.
Bộ Luật Lao động quy định lương và thưởng là do người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động (NLĐ). Ngoài ra, còn tùy tình hình kinh doanh trong năm lẫn cái tâm của người đứng đầu doanh nghiệp (DN).
Thế nhưng, việc các phương tiện truyền thông rầm rộ đưa tin có nơi thưởng cao nhất nước, hàng trăm triệu đồng nhưng có nơi chỉ được 200.000 đồng hoặc phần quà gồm gạo, dầu ăn, đường, bột ngọt... khiến người trong cuộc chạnh lòng.
Chưa hết, áp lực của các thông tin thưởng Tết đè nặng lên những DN làm ăn không hiệu quả, làm các chủ DN lo lắng vì có vẻ như không trả được nợ cho nhân viên. Rồi cả mạng lưới hoạt động kinh tế đua nhau vào mớ bòng bong hoàn tất công trình, đòi nợ, rút vốn về như một cơn khủng hoảng tiền mặt khiến tất cả những người làm kinh doanh thấy những ngày cuối năm thật quá nặng nề.
Sẽ có ý kiến cho rằng nếu không công khai mức thưởng Tết, DN sẽ cố tình thoái thác, chây ì, thậm chí né tránh không thưởng cho NLĐ. Xin thưa, mỗi dịp cuối năm, DN đều phải thông báo rõ về kế hoạch thưởng Tết đến NLĐ và cơ quan chức năng theo quy định. Hơn thế nữa, thực tế cho thấy, với những DN không thực hiện đúng cam kết việc thưởng Tết sẽ chịu sự giám sát từ cơ quan hữu trách, đồng thời rất khó lôi kéo NLĐ quay trở lại làm việc sau Tết.
Hỏi thăm nhau về tiền lương, khoản thưởng dịp Tết không phải là xấu mà đôi khi đó là sự quan tâm, chia sẻ giữa người thân, bạn bè... Tuy nhiên, công việc và cuộc sống mỗi người khác nhau, nên sự tò mò về lương, thưởng chỉ đem lại khó chịu cho người nghe. Bởi sau một năm làm việc xa nhà, xa quê, trở về với gia đình và người thân, ai cũng muốn tìm kiếm sự thảnh thơi, không nghi kỵ, tính toán. Lời hỏi thăm chân thành sẽ luôn xuất phát từ tình cảm, khác xa với tọc mạch, ganh đua. Hãy để ngày Xuân thực sự là thời gian của sum vầy, yêu thương. Đừng làm mất vui bởi những chuyện tiền lương, thưởng Tết!
Bình luận (0)