"Chúng con đã hoàn tất thủ tục, sắp tới tất cả sẽ đi châu Âu đoàn tụ với gia đình mới". Nhóm trẻ Tiên Phước 2 tíu tít khoe khi gặp lại chúng tôi trong sân Làng Thiếu niên Thủ Đức (Làng Trẻ mồ côi Picasso). Chúng tôi thoáng sững lại vì bất ngờ, rồi nhảy cẫng lên cùng bọn trẻ, cảm giác vui mừng khôn xiết về một sự thay đổi to lớn trong cuộc đời của các em bé mồ côi.
Lay lắt phận "con mồi" từ thiện
Bảy năm trước, Giáng sinh năm 2010, chị Huyền, đại diện nhóm phụ nữ thiện nguyện, tất tả tìm đến Tòa soạn Báo Người Lao Động khẩn cầu can thiệp cứu các bé mồ côi đang bị bóc lột trong một ngôi chùa ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP HCM.
Ngay trong ngày đầu tiên xâm nhập điều tra dưới "mác" tình nguyện viên, chúng tôi đã tự hứa với lòng mình phải phơi bày ra ánh sáng công luận những góc khuất đau thương trong chùa giả này. Thoi thóp, suy kiệt, đầy thương tích và ghẻ lở… là những gì hiện rõ trên thân thể 13 em bé mồ côi ở đây.
Trước khi cầu cứu phóng viên, những người làm từ thiện thường đến đây đã nhận ra chân tướng của bà "trụ trì" tại Tiên Phước 2. Mặc trẻ bệnh tật, chủ cơ sở không phép này chỉ nhận tiền và nhất định không cho các nhà hảo tâm đưa bệnh nhi đi điều trị. Đỉnh điểm là trường hợp của bé gái có tên Hoa Quỳnh. Bé đã thu hút cho "mẹ nuôi" hàng trăm triệu đồng trước khi qua đời ngay trong đêm Báo Người Lao Động khởi đăng loạt bài điều tra "Hốt bạc trên đầu trẻ mồ côi".
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ở cơ sở này từng có 3 trẻ chết, tất cả đều được hỏa thiêu chóng vánh mà không có ai làm rõ nguyên nhân.
Lương tâm của người làm báo khiến chúng tôi quyết đi đến tận cùng của sự việc. Cuối cùng, cơ sở bị cưỡng chế ngừng hoạt động. Tất cả các bé mồ côi được đưa về nuôi dưỡng ở Làng Thiếu niên Thủ Đức.
Tác giả Đoàn Quý Lâm và các bé mồ côi Tiên Phước 2 tại Làng Thiếu niên Thủ ĐứcẢnh: Mai A
"Khai sinh lần thứ hai"
"Các anh đã khai sinh ra bọn trẻ lần thứ hai". Chị Tươi, bảo mẫu Làng Picasso, đã thốt lên như vậy khi nhóm trẻ vừa được giải cứu và chúng tôi trở lại thăm. Hẳn nhiên, chúng tôi rất vui về điều này. Nhất là khi đứng ngắm những đứa trẻ dặt dẹo ngày nào giờ chạy nhảy, nô đùa vui vẻ trên sân làng trẻ mồ côi.
"Thanh Phương là một võ sinh xuất sắc. Một mình có thể hạ 4-5 bạn trên sân tập. Còn đứa này nè, Hoa Huệ, hồi đầu nói không được mà giờ khôn lanh không ai bằng" - vị phó giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức nói một cách tự hào.
Dường như có một sợi dây tình cảm nào đó giữa chúng tôi và những em nhỏ mồ côi này. Rất cảm động vì đã thật lâu ngày không gặp nhưng chúng vẫn lao vào ôm chặt lấy chúng tôi. Các bé cầm tay, ôm ngang hông, tíu tít dắt đi thăm thú, dạo chơi trong khuôn viên làng trẻ.
"Con sẽ đi Tây Ban Nha; còn mấy bạn thì đi Nga, Ý hay Pháp gì đó. Cũng gần đi rồi đó chú" - Nguyễn Thanh Thọ háo hức kể trong lúc chúng tôi cùng dạo vào khu hành chính của Làng Picasso.
Bảy năm qua, các bé lớn lên trong vòng tay của những người mẹ - những bảo mẫu dịu hiền. Thời gian có lẽ đã xoa dịu, xóa nhòa những ký ức kinh hoàng trong những mái đầu non nớt thuở nào.
"Ở đây, mọi người luôn tạo điều kiện cho các em. Mỗi khi có một cơ hội nào đó tốt hơn, chúng tôi muốn các em được tiếp cận. Được các gia đình ở những đất nước phát triển nhận làm con nuôi cũng là một sự kiện có thể thay đổi mạnh mẽ cuộc đời các bé mồ côi" - bảo mẫu Tươi nói.
Mừng cho các bé và cũng không khỏi rùng mình khi nghĩ nếu ngày ấy Báo Người Lao Động không biết đến, không vào cuộc hoặc phản ánh không đến nơi đến chốn thì không biết số phận của những đứa bé này sẽ đi về đâu.
Một địa chỉ tuyệt vời
Ngay khi tháp tùng chuyến xe chở các bé từ Tiên Phước 2 về đây vào một buổi chiều đầu năm 2011, chúng tôi thấy vô cùng yên tâm, tin tưởng, mãn nguyện. Trải rộng trên một diện tích ngang lưng đồi, làng mồ côi là một không gian xanh tươi rất đỗi yên bình, mát mẻ, sạch sẽ và tiện nghi.
Với bề dày hoạt động hàng chục năm và là một điểm sáng trong hoạt động xã hội của TP HCM, Làng Thiếu niên Thủ Đức có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ bảo mẫu tận tâm với công tác nuôi dạy trẻ.
Ở đây, các chế độ sinh hoạt, học tập, ăn ở dành cho các bé đều rất tốt. Các bé được đi học từ mẫu giáo đến hết THPT. Sau đó sẽ được tạo điều kiện học ĐH, CĐ hoặc học nghề; cũng có nhiều bạn trẻ tự nguyện ở lại trường làm bảo mẫu, nhân viên của làng.
Bình luận (0)