Ngành công nghiệp cơ khí đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống công nghiệp đồng thời là kinh tế mũi nhọn của quốc gia, là thước đo trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật của TP HCM nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Bất cập và tụt hậu
Trong bối cảnh cả thế giới đang phát triển công nghệ 4.0, ngành cơ khí Việt Nam vẫn đang loay hoay ở trình độ 2.0 và chỉ một số rất ít doanh nghiệp (DN) đạt trình độ 3.0. Thực tiễn gần 30 năm qua cho thấy ngành sản xuất cơ khí Việt Nam phát triển chậm, đang ngày càng tụt hậu so với thế giới, không đủ sức cạnh tranh giữ thị trường nội địa và mở rộng được xuất khẩu.
Ngành công nghiệp cơ khí đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống công nghiệp, đồng thời là kinh tế mũi nhọn của quốc gia Ảnh: THANH NHÂN
Do nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, ngành này đang có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, do chính sách không thuận lợi, các DN cơ khí chậm phát triển và đang phải cạnh tranh rất khó khăn với sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Ðồng thời, ngành cơ khí chế tạo máy, chế tạo khuôn mẫu bị chính sách thuế ngược là máy móc, thiết bị, khuôn mẫu nhập khẩu có thuế suất thuế nhập khẩu 0% nhưng sản xuất trong nước khi nhập một số vật tư, linh kiện thì phải chịu thuế nhập khẩu, điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm chế tạo trong nước phải chịu thuế nhập khẩu.
Mặt khác, hiện nay, các DN cơ khí cạnh tranh rất khó khăn với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cùng ngành nghề do được hỗ trợ nhiều từ chính sách kêu gọi đầu tư và họ vốn có nguồn lực tài chính và kỹ thuật mạnh hơn các DN Việt Nam. Ðặc biệt là họ có lợi thế cùng quốc tịch với các nhà đầu tư FDI lớn có nhu cầu đặt hàng.
Doanh nghiệp rất quyết tâm nhưng cần được tiếp sức
Ðể ngành cơ khí phát triển, cần 3 điều kiện gồm: hệ thống chính sách thuận lợi; quyết tâm của DN và nguồn lực đủ lớn (vốn, kỹ thuật, lao động...). Hiện nay, các DN đang rất quyết tâm phát triển sản xuất trên cơ sở nhu cầu thị trường tăng, tuy nhiên rất cần vai trò của nhà nước. Cụ thể là cần phải có quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cơ khí với lộ trình cụ thể. Kế đến, cần tái cơ cấu hệ thống công nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; tạo dựng môi trường đầu tư, khuyến khích sản xuất - kinh doanh, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ rõ ràng; hỗ trợ phát triển thị trường; mở rộng hợp tác quốc tế về công nghiệp hỗ trợ; lập cơ quan đầu mối hỗ trợ thông tin và kết nối.
Cần có cơ chế hỗ trợ về vay vốn lưu động cho các nhà sản xuất thiết bị cơ khí, các công trình chế tạo thiết bị toàn bộ cần vốn lớn, chu kỳ sản xuất dài. Thực tế lâu nay, nhiều DN do nguồn lực yếu không có tài sản thế chấp nên khó vay vốn ngân hàng; ngân hàng ít khi cho DN thế chấp bằng chính thiết bị nhập khẩu. Cũng cần nói thêm là các chính sách kích cầu hiện tại chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu cho DN nhỏ và vừa ngành cơ khí vì phải đầu tư vào khu công nghiệp, trong khi nhiều nhà máy hiện tại có nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ, đang sản xuất trong các cụm công nghiệp nhưng không đúng quy hoạch.
Một vướng mắc khác là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện chủ yếu chỉ giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất mà chưa tạo điều kiện xây dựng chuỗi giá trị thông qua việc liên kết DN. Do đó, cần thiết thành lập cụm công nghiệp cơ khí - điện - tự động hóa nhằm tập trung chuyên ngành cho DN trong ngành và có chính sách ưu đãi đi kèm như giá thuê đất, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ chế tài chính... tạo điều kiện hình thành cụm liên kết ngành.
Về chính sách hỗ trợ công nghệ: Cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn ngành. Bên cạnh đó ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm cơ khí trọng điểm làm căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu; khuyến khích chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN đổi mới thiết bị, thay đổi công nghệ.
Về chính sách thị trường: Cần có chính sách nhằm khuyến khích, tăng khả năng tiêu thụ các sản phẩm cơ khí trong nước cũng như chính sách khuyến khích DN FDI sử dụng nguồn cung ứng nội địa, nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Song song đó, kết nối các DN FDI với DN Việt Nam; xây dựng chương trình hợp tác dài hạn, các website chuyên ngành. Cũng cần xây dựng các trung tâm trưng bày sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đủ quy mô phù hợp với sản phẩm ngành công nghiệp cơ khí… Có chính sách tạo thị trường cho ngành cơ khí - điện - tự động hóa từ nguồn đầu tư công như xây dựng hệ thống tàu điện ngầm…
Về chính sách đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ hệ thống quản trị sản xuất: Quan trọng là đưa việc đầu tư vào hệ thống quản trị của DN vào danh mục được vay vốn kích cầu theo nghị quyết của HĐND TP để từng bước hỗ trợ DN cải thiện hệ thống quản trị, nâng cao khả năng quản lý sản xuất; hỗ trợ việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
(*) Xem Báo Người Lao Ðộng từ số ra ngày 24-9
Phải thay đổi cách tính thuế
Các DN sản xuất trong nước nhiều lần phản ứng vì theo Luật Xuất nhập khẩu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất phải nhập với thuế suất từ vài % đến 25%. Trong khi đó, nhiều máy móc, thiết bị, khuôn mẫu đang nhập với thuế suất 0%. Chính sách thuế này không khuyến khích DN sản xuất, lắp ráp vì nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh được lợi về thuế hơn. Vì vậy, đề nghị TP HCM kiến nghị mạnh mẽ với Bộ Tài chính, giải quyết triệt để vấn đề này.
Bình luận (0)