Với thực tế của hệ thống kênh rạch ở TP HCM, để giải bài toán môi trường thật không dễ. Nước, rác thải cùng tình trạng san lấp trái phép khiến nhiều dòng kênh xanh bị "bức tử". Tình trạng này đã được cải thiện nhiều trong những năm gần đây nhưng để có một bộ mặt hiện đại, văn minh cho thành phố, cần giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm kênh, rạch.
Muốn vậy, phải có chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Song song đó, phải giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.
Không chỉ phạt tiền, cần thay đổi nhận thức của người dân bằng việc áp dụng hình phạt lao động công ích như vớt rác hoặc chịu sự quản thúc, giám sát của địa phương trong một khoảng thời gian dài.
Bên cạnh đó, quy hoạch, sắp xếp lại không gian quanh các con kênh và điều chỉnh hoạt động của người dân xung quanh các dòng kênh. Hạn chế tối đa họp chợ tự phát, hàng quán xả rác bừa bãi xuống kênh rạch.
Nên xây dựng các chương trình cho học sinh tham quan công việc nạo vét lòng sông ô nhiễm để các em hiểu rõ sự vất vả của công nhân vệ sinh cũng như những nguy hại của môi trường bị ô nhiễm đến sức khỏe con người, qua đó giáo dục ý thức ngay từ bé.
Cùng với đó, tuyên truyền thường xuyên việc giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Tăng cường xây dựng các dự án vét bùn, rác cho các dòng kênh để cải thiện dòng chảy. Nghiên cứu xây dựng các bờ kè đồng bộ, hiệu quả; làm cống thoát nước hợp lý để giảm mùi ô nhiễm…
Kiên quyết giải quyết các địa điểm bị chiếm dụng để xử lý ô nhiễm cho các con kênh, nhất là những nơi bị san lấp. Với các con kênh đã được cải tạo nhưng lại bị tái ô nhiễm do rác thải, phải lấy chính khu vực đó để triển khai mạnh các biện pháp quyết liệt để môi trường sống trong lành trở lại.
Bình luận (0)