Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã xây dựng Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP. UBND TP cũng đã cơ bản thống nhất dự thảo của đề án này và Sở GTVT đang phối hợp nghiên cứu, bổ sung để hoàn chỉnh trước khi trình HĐND TP tại kỳ họp thường niên giữa năm 2020.
Cấm xe chở hàng vào ban ngày được xem là 1 trong những giải pháp hỗ trợ đang được nghiên cứu để giảm ùn tắc, tăng cường vận tải hành khách công cộng, kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân. Dù vậy, khi được báo chí thông tin, dư luận đã tỏ ra ủng hộ giải pháp chuyển xe chở hàng hoạt động ban đêm của TP HCM.
Bạn đọc Hoàng Định cho rằng chuyển là hợp lý vì ngày thì kẹt xe, đêm thì vắng hoe. Khởi đầu có thể gặp khó khăn nhưng nếu quyết tâm, ắt sẽ làm được.
Bạn đọc Thuận Phát còn chỉ ra: "Để giải quyết tình trạng kẹt xe, ùn tắc, tai nạn giao thông, cơ quan chức năng cần phải lưu tâm thêm và có kế hoạch hạn chế, cấm các phương tiện: 1-Xe ba gác Trung Quốc, 2- Các loại xe đẩy bán trái cây, 3- Xe gắn máy dạng xe lôi, 4- Xe ô tô 4 và 7 chỗ ở các tỉnh thành khác vào TP chạy Grab, 5- Xe buýt khổ lớn".
Ùn tắc xảy ra thường xuyên vào ban ngày
Cùng quan điểm, bạn đọc Hùng Trần viết: "Đề nghị cấm triệt để các kiểu vận chuyển hàng hóa cồng kềnh bằng xe máy và xe 3 bánh vì rất là nguy hiểm cho người đi đường. Các loại xe này thường là xe cũ, nát nên rất ô nhiễm về tiếng ồn và khói.
Bạn đọc Nguyễn Ích Quý bức xúc góp thêm: "Nên sớm cấm các loại xe 3 gác thường hay chở sắt thép, hình thức vận chuyển này kém an toàn, mối nguy cơ thảm họa trên đường phố. Thực tế đã có không ít tai nạn giao thông do những xe 3 gác này gây ra".
Nếu chỉ chuyển xe chở hàng chạy vào ban đêm, theo nhiều bạn đọc là chưa đủ giảm ùn tắc, bạn đọc Nguyễn Cường thẳng thắn: "Hiện nay, trong nội đô TP, tình trạng xe dù, bến cóc tùm lum; xe 50 chỗ ngồi đón trả khách khắp TP, các trạm xe trá hình tập trung ở các quận 1 , 5 , 10... Đây cũng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông".
Bên cạnh nhiều ý kiến đồng thuận với giải pháp cấm xe chở hàng hóa vào ban ngày, cũng có những ý kiến còn băn khoăn. Bởi ban ngày hàng hóa phải nằm chờ, nhiều hệ lụy sẽ xảy ra nên cần phải có lộ trình thực hiện cũng như những hình thức hỗ trợ phù hợp.
"Nền kinh tế đất nước đang phát triển, việc cấm này liệu có kìm hãm sự phát triển, thông thương làm ăn mua bán? Cơ quan chức năng cần rà soát kỹ và có những quy định phù hợp, chẳng hạn những địa bàn ở ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi..., giao thông chỉ đông vào giờ cao điểm sáng từ 7 giờ đến 8 giờ30, chiều từ 4 giờ30 đến 7giờ30, vì vậy có nhất thiết cấm xe tải suốt cả ban ngày?"- bạn đọc Năm Nổ phân tích.
Giảm ùn tắc không khó
Với bạn đọc Nghĩa, để giảm ùn tắc, các ban ngành có sử dụng lòng đường, lề đường như điện lực, cấp thoát nước, chiếu sáng, sửa chữa cầu đường, cây xanh… cũng nên chuyển làm việc vào buổi tối.
Bạn đọc Hung Ngo Khac thì cho rằng, muốn giảm kẹt xe không khó, quan trọng nhất vẫn là ý thức người tham gia giao thông. "Muốn bớt kẹt xe, người điều khiển phương tiện phải có ý thức. Cứ lấn len, vượt đèn, leo lề... những lúc kẹt xe thì lại càng thêm kẹt nghiêm trọng. Theo tôi, chỉ cần mọi người chạy theo thứ tự, người đến trước dừng trước, người đến sau dừng sau (nhiều người tới sau mà cứ chen lên trên đầu đứng) chấp hành theo đèn tín hiệu thì sẽ giảm kẹt xe ngay.
Bình luận (0)