Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 7-10, lực lượng chức năng phường Tân Hiệp đến yêu cầu các tiểu thương không được buôn bán lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, nằm dưới đường dây điện 500 KV thì bị tấn công. Bốn bảo vệ dân phố và dân quân phải nhập viện cấp cứu.
Ông Lê Văn Nhi Đồng, Chủ tịch UBND phường Tân Hiệp, nói khu đất mà các tiểu thương họp chợ là đất nông nghiệp do ông Nguyễn Văn Hùng (cha của ông Nguyễn Hoàng Oanh) đứng tên. Riêng ông Oanh cũng đứng tên sở hữu một khu đất nông nghiệp gần sát đó. Hơn 2 năm qua, ông Oanh tự ý xây nhà, cho hàng chục tiểu thương thuê buôn bán trên đất mình.
Do khu chợ tự phát nằm dưới lưới điện 500 KV, cản trở giao thông đường bộ nên UBND phường nhiều lần yêu cầu ông Oanh cho tháo dỡ, giải tán chợ nhưng ông Oanh và các tiểu thương không chấp thuận. Hiện nay, khi khu chợ trên đất ông Oanh bị tháo dỡ, các tiểu thương dạt qua buôn bán trên đất của cha ông Oanh.
Được biết, chính quyền vận động tiểu thương vào buôn bán ở khu chợ mới xây theo mô hình xã hội hóa, cách khu chợ trái phép khoảng 200 m nhưng họ không đi vì sợ buôn bán không được lại phải đóng phí cao hơn chợ hiện tại.
Bình Dương có hàng chục khu công nghiệp, quanh đó hàng loạt chợ trái phép, chợ tự phát mọc lên. Để hạn chế chợ tự phát, giải quyết nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, Sở Công Thương Bình Dương hướng dẫn UBND cấp huyện, thị tạo điều kiện cho các hộ gia đình hoặc cá nhân mở chợ tạm.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, cho biết UBND thị xã đã đồng ý cho mở 5-6 chợ tạm trên địa bàn, thời hạn hoạt động 3 năm. Sau 3 năm nếu hoạt động hiệu quả, không vi phạm thì gia hạn tiếp; ngược lại sẽ phải tháo dỡ. Khi đăng ký mở chợ tạm, chủ chợ không cần phải đăng ký kinh doanh nhưng phải bảo đảm các vấn đề về an ninh, vệ sinh, mặt bằng quy hoạch, buôn bán đúng vị trí đăng ký.
Bình luận (0)