Cầm trên tay tờ giấy khai sinh (GKS), chị Phan Thị Hồng Nhung nghẹn ngào chia sẻ: "Không có GKS thì dù có tồn tại, nhiều đứa trẻ vẫn không được pháp luật thừa nhận. Đồng nghĩa không được đi học ở các trường công lập, không được khám chữa bệnh bằng BHYT. Lớn lên, không được cấp CMND, không có cơ hội tiếp cận các nghề nghiệp chính thức, không thể đăng ký kết hôn. Con cái sinh ra cũng rơi vào hoàn cảnh đó. Tôi từng sống như thế nhiều năm, gõ cửa khắp nơi tìm kiếm sự giúp đỡ để có thể làm GKS cho mình và cho con gái".
Không dễ làm giấy khai sinh
T.H.B.C (quận 7, TP HCM) gần 18 tuổi vẫn chưa được đăng ký khai sinh và cấp giấy tờ tùy thân. Mẹ của C. liên hệ UBND phường thì được hướng dẫn đi xét nghiệm ADN chứng minh quan hệ me - con. Không có tiền nên gia đình không thể làm xét nghiệm. "Ngày xưa, không có tiền trả viện phí, sinh xong, tôi ôm con trốn khỏi bệnh viện. Sau này, mẹ con tôi quay lại bệnh viện xin trả khoản viện phí năm xưa và làm lại giấy chứng sinh nhưng không được" - mẹ của C. rưng rưng kể.
Sáu tuổi, Muội ước mơ được đến trường nhưng dù cha mẹ đã nỗ lực "gõ cửa" nhiều cơ quan, vẫn không làm làm được GKS cho Muội. Chị T., mẹ của Muội, quê ở Sóc Trăng, chuyển lên TP HCM sinh sống đã 20 năm. Vì thất lạc hết giấy tờ tùy thân, vợ chồng chị T. không làm GKS cho con gái. Mãi đến tháng 11-2020, Muội mới may mắn được đăng ký khai sinh với tên gọi N.K.H.N. Nhờ đó, cánh cửa tương lai cũng dần mở ra trước mắt em trong năm học tới.
Chị Phan Thị Hồng Nhung cùng con gái xúc động khi nhận giấy khai sinh
Trong căn phòng trọ ọp ẹp nằm tận cuối con hẻm nhỏ thuộc phường 16, quận 8, TP HCM, L.P (8 tuổi) hí hoáy tập viết lên tấm bảng con vừa được tặng. Ngày cha mẹ bỏ đi, em còn chưa được đặt tên. L.P lớn lên trong tình yêu thương của ông bà ngoại. Suốt bao năm qua, dù cố gắng liên hệ nhiều nơi, ông bà cũng không thể làm được GKS cho L.P. Nhờ dự án "Trang mới cuộc đời", tháng 4-2020, L.P có GKS. Bà ngoại của L.P nghẹn ngào: "Có GKS, L.P sẽ được đi học. Tôi mừng quá, mừng không tả được".
Do triển khai thực hiện chưa tốt
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, năm 2017, TP có khoảng 75.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 350.000 trẻ sống trong các hộ nhập cư, hộ nghèo và 1.450 trẻ em lang thang đường phố. Năm 2018, sau khi rà soát, cơ quan chức năng đã hỗ trợ 518 trường hợp trẻ em làm GKS.
Bà Nguyễn Phương Linh, Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD), cho biết những năm qua, chính quyền TP HCM đã rất nỗ lực trong việc rà soát để hỗ trợ làm GKS cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, các trường hợp không có tạm trú hoặc không có giấy tờ tùy thân rất dễ bị bỏ qua.
Từ kinh nghiệm tiếp nhận hỗ trợ 140 trường hợp trẻ em làm GKS trong thời gian qua, bà Nguyễn Phương Linh nhận định có nhiều nguyên nhân khiến trẻ em không có GKS: trẻ không có cha, mẹ, không xác định được quê quán, người thân; trẻ em khuyết tật, lang thang, cơ nhỡ. Ngoài ra, nhiều trường hợp trẻ có cha mẹ, người thân nhưng không biết chữ, không có giấy tờ tùy thân… Nhiều nhất là trường hợp cha mẹ làm GKS cho trẻ không chứng minh được quan hệ huyết thống, trẻ không có giấy chứng sinh.
Cũng theo bà Nguyễn Phương Linh, hiện nay việc lưu trữ hồ sơ chứng sinh tại các bệnh viện chỉ kéo dài 10 năm, gây khó khăn rất lớn trong quá trình làm GKS cho trẻ. "Không có giấy chứng sinh, cán bộ hộ tịch phường thường yêu cầu xác định quan hệ huyết thống bằng kết quả xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để thực hiện xét nghiệm này" - bà Nguyễn Phương Linh nói.
Theo bà Trần Thị Hồng Yến, Phó trưởng Phòng Hộ tịch Sở Tư pháp TP HCM, số lượng trẻ em chưa có GKS trên địa bàn TP HCM hiện còn nhiều do địa phương có nhiều biến động về cư trú, nhất là dòng người nhập cư từ các tỉnh đổ về sinh sống, làm việc rất lớn. Quy định của pháp luật chỉ rõ để chứng minh mối quan hệ giữa cha mẹ, con cái trong quá trình làm GKS, không bắt buộc phải xét nghiệm ADN. Nếu người dân không tự chứng minh được sẽ có sự hỗ trợ, xác minh của chính quyền để giải quyết vấn đề này.
"Quy định pháp luật rất rõ ràng nhưng công tác tổ chức triển khai thực hiện chưa thật sự tốt do đội ngũ cán bộ phụ trách hộ tịch ở địa phương thường xuyên thay đổi nên công tác tập huấn kiến thức liên quan gặp khó khăn. Ngoài ra, cán bộ mới khi tiếp nhận chưa kịp nắm nghiệp vụ, nhiều người sợ trách nhiệm dẫn đến tình trạng bỏ sót trẻ em chưa đăng ký khai sinh" - bà Trần Thị Hồng Yến nói.
Dự án "Trang mới cuộc đời"
Từ năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Sở Tư pháp TP HCM, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý TP HCM và các tổ chức xã hội, mái ấm, cơ sở bảo trợ thực hiện dự án "Trang mới cuộc đời (A new life page)" - dự án thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại TP HCM.
Trong giai đoạn từ ngày 1-6-2019 đến 31-12-2020, dự án nhận sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến tư pháp (JIFF) - một hợp phần của dự án ODA "Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam - EU JULE" do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ với mục tiêu làm GKS cho 100 trẻ em. Sau hơn 1 năm thực hiện, dự án "Trang mới cuộc đời" đã hoàn thành 80 GKS cho các gia đình, bao gồm cả trẻ em và cha mẹ trên địa bàn TP và hơn 20 trường hợp đang được thực hiện, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020.
Linh động mở cánh cổng quyền lợi cho trẻ
Đại diện nhóm "Trang mới cuộc đời" đưa ra một số khuyến nghị: Đáp ứng đủ thông tin xác minh nhân thân, chứng minh việc sinh qua các bằng chứng, cam đoan, cam kết, đề nghị Bộ/Sở Tư pháp hướng dẫn cho các cán bộ hộ tịch phường, xã thực thi hiệu quả, đúng quy định, không yêu cầu các gia đình làm xét nghiệm ADN nếu không cần thiết; sửa đổi Thông tư 53/2017/TT-BYT của Bộ Y tế để việc lưu trữ hồ sơ sinh của trẻ được lâu hơn, tới 20 năm hoặc vĩnh viễn, hướng dẫn các bệnh viện, cơ sở y tế cung cấp giấy chứng sinh cho trẻ trong bất cứ trường hợp nào để bảo đảm quyền được đăng ký GKS cho trẻ...
Bình luận (0)