Đó là toàn bộ phần lý lịch mà bị cáo khai báo trong phần thủ tục trước khi bắt đầu phiên phúc thẩm của TAND TP HCM.
Túng làm liều?
Giờ nghị án, A. ngồi bần thần, lộ rõ vẻ mệt mỏi. Hai bên tai còn bịt bông gòn, dấu hiệu của người phụ nữ đang kiêng cữ sau sinh. Chúng tôi đến bên hỏi chuyện, A. rơm rớm nước mắt, mở lời đầy chua chát: "Vì túng nên làm liều…".
Theo nội dung vụ án, A. đã 3 lần được một phụ nữ tên Tú (không rõ lai lịch) đưa CMND và giấy phép lái xe (GPLX) của người khác đi cầm lấy tiền tiêu xài. Cụ thể, 3 lần Tú đưa CMND và GPLX của 3 phụ nữ khác nhau cho A. dán chồng lên ảnh 3x4 cm của mình đem đi cầm tại tiệm cầm đồ. Mỗi lần như vậy, A. được Tú chia 1/3 số tiền.
Bị cáo N.T.A một mình giữa chốn pháp đình, không một bóng người thân
Sau mỗi lần như thế, A. quay lại tiệm cầm đồ chuộc lại giấy tờ mang đi làm hợp đồng vay vốn mua điện thoại trả góp của một công ty tài chính liên kết với cửa hàng điện thoại. Liên tục trong vòng 21 ngày, từ 1-4 đến 22-4-2016, A. đã 3 lần sử dụng CMND và GPLX giả làm hợp đồng mua điện thoại trả góp trị giá từ 6,1-6,3 triệu đồng với thời hạn vay 6 tháng, sau đó bán lại điện thoại cho người khác và không thực hiện trả góp theo hợp đồng.
Qua truy xét, Cơ quan Điều tra Công an quận 12 đã bắt giữ A. Tổng số tiền A. chiếm đoạt của công ty tài chính là hơn 19 triệu đồng và thu lợi bất chính 1,8 triệu đồng từ việc cầm cố CMND và GPLX giả.
Tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND quận 12 tuyên phạt A. 1 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 2 năm 6 tháng tù về tội "Sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức". Tổng hợp hình phạt của 2 tội là 3 năm 6 tháng tù.
Mong mỏi có tờ giấy lận lưng
A. kể gia đình có 4 chị em. Do người vợ cả của cha ghen tuông nên đã đốt sạch giấy tờ của mẹ con A. Người cha mất, mấy mẹ con không giấy tờ tùy thân dắt díu nhau vào TP HCM kiếm sống và không ai được học hành. Rồi người mẹ cũng mất sớm, 4 chị em không thể nuôi nhau, mỗi người dạt về một nơi. A. được một người quen cho tá túc tại TP HCM và làm đủ nghề để nuôi thân. Nhưng vì chỉ mới biết đọc - viết, không có CMND, không hộ khẩu thường trú hay giấy tạm trú để chứng minh chỗ ở nên chẳng thể ổn định được việc gì.
"Bữa đói, bữa no vì không phải lúc nào cũng có việc để làm nên tôi mới nảy sinh ý định lừa đảo. Tôi đã nghĩ không ai quản lý mình nhưng giờ tôi đã biết mình sai rồi" - A. lí nhí tâm sự.
Hơn 20 năm sống lây lất, khổ sở, không gia đình, không một tờ giấy lận lưng, đó cũng là nguyên nhân khiến A. bị gia đình người yêu từ chối. Chồng hờ của A. chuyên nghề bốc xếp, thường xuyên theo xe tải đi xa nhà. Thương A., hằ̀ng tháng anh đều tích cóp gửi về 1-2 triệu đồng. Đến khi A. bị bắt tạm giam, gia đình cấm tiệt anh qua lại.
Sau khi nhận phán quyết của TAND quận 12, A. làm đơn kháng cáo. Trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm, A. sinh con. Nhắc đến đứa con nhỏ ở nhà vẫn chưa được làm giấy khai sinh, A. lắc đầu vẻ bất lực: "Tôi cũng không biết phải làm sao. Cái vòng luẩn quẩn cứ lặp lại từ đời này sang đời khác. Cả mẹ, cả con đều không có một tờ giấy lận lưng. Tôi hối hận lắm. Sau này ra tù, tôi chỉ mong được nhà nước tạo điều kiện để làm giấy tờ tùy thân, kiếm được việc làm ổn định nuôi con, sống cuộc đời của một công dân lương thiện" - A. nói, đôi mắt đỏ hoe.
Giảm 6 tháng tù
HĐXX phúc thẩm nhận định bản án sơ thẩm tuyên bị cáo 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức" là phù hợp. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo mới sinh con và đang nuôi con nhỏ, TAND TP HCM quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm, xử phạt N.T.A 1 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 2 năm tù về tội "Sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức". Tổng hợp hình phạt là 3 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án.
Bình luận (0)