xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gieo mầm nhân ái

Ý LINH

Đợt dịch thứ 4 bùng phát đã gây ra biết bao tổn thất cho người dân, đau thương nhất là tính mạng con người. Chỉ tính riêng TP HCM, đến tháng 9-2021, dịch Covid-19 đã khiến hơn 1.500 trẻ rơi vào cảnh mồ côi. Làm sao để giúp trẻ vượt qua cú sốc tâm lý, tránh những tổn thương tinh thần để bước đi vững vàng trong tương lai là điều không dễ, đòi hỏi sự chung tay, chia sẻ và yêu thương của toàn xã hội

Trong bối cảnh ấy, từ ngày 16-9, Báo Người Lao Động đã phát động chương trình "Tình thương cho em" nhằm kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện cùng các nhà hảo tâm chung tay chăm lo cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19. Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup, Công đoàn Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cùng hàng ngàn lượt quyên góp từ doanh nghiệp, bạn đọc qua ví điện tử MoMo và ZaloPay.

Gieo mầm nhân ái - Ảnh 1.

Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, động viên và trao suất hỗ trợ từ chương trình "Tình thương cho em" cho trẻ mồ côi do Covid-19 ở quận 3, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Gieo mầm nhân ái - Ảnh 2.

Chị Yến hướng dẫn hai con học hằng ngày ảnh: Ý LINH

Đến nay, "Tình thương cho em" đã nhận được số tiền 2,15 tỉ đồng (tương đương 430 suất hỗ trợ, mỗi suất 5 triệu đồng). Chương trình đã trao tặng hơn 170 suất hỗ trợ cho trẻ em mồ côi do Covid-19 tại TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL, miền Trung. Sắp tới, chương trình sẽ tiếp tục trao những suất hỗ trợ còn lại cho trẻ em mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ do Covid-19.

Đồng hành cùng chương trình "Tình thương cho em" của Báo Người Lao Ðộng từ những ngày đầu, tôi đã đi, gặp và nghe nhiều câu chuyện xót xa về những đứa trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19. Với tôi, chương trình này là hành trình gieo mầm nhân ái.

Những hạt mầm là tình yêu, là sự sẻ chia mà bạn đọc đã gói ghém qua các khoản đóng góp, dù lớn hay nhỏ, đều gieo vào lòng các em những mầm xanh nhân ái, giúp xoa dịu nỗi đau và nuôi dưỡng lòng trắc ẩn từ sâu thẳm tâm hồn.

* * *

Tôi quay lại nhà N.T.Ph (12 tuổi; ngụ phường Phú Hữu, TP Thủ Ðức, TP HCM) sau 1 tháng cậu học trò khuyết tật mất cha do Covid-19 này được chương trình "Tình thương cho em" đến thăm. Nhận ra tôi, Ph. khua khua đôi tay ý nói đợi cậu gọi mẹ.

Ph. khiếm thính từ nhỏ, đến giờ chỉ nói ú ớ tiếng được tiếng mất. Vợ chồng chị Phượng quyết cho con đi học để có thể đọc, viết. Năm nay Ph. mới học hết lớp 3 nhưng học giỏi, vẽ đẹp, trong nhà treo rất nhiều giấy khen của trường khiếm thính khiến cha mẹ rất tự hào. Thế nhưng, dịch bệnh ập đến, cha cậu bé không còn nữa.

Không nghe được, không nói thành lời nhưng đối diện với Ph., chúng tôi có thể cảm nhận nỗi đau đọng trong đáy mắt cậu bé. Có lần phát hiện dòng chữ "con nhớ ba" trên tập vở của con, chị Phượng khóc nghẹn. Ðại dịch đã cướp đi người chồng, người cha là chỗ dựa của cả gia đình. Mất mát ấy để lại dấu lặng ám ảnh cả những người trưởng thành.

Có là ác mộng, N.Ð.B (17 tuổi; ngụ phường Tam Phú, TP Thủ Ðức) cũng chẳng tin được Covid-19 đã cùng lúc cướp đi cả cha lẫn mẹ mình. Trong căn nhà khá khang trang được xây bằng số tiền tích cóp từ đồng lương giáo viên của cha mẹ, giờ chỉ còn anh em B.

Từ những bỡ ngỡ, vụng về ban đầu, 2 tuần sau khi từ khu cách ly tập trung trở về, B. đã dần quen với việc nấu cơm, giúp anh trai - mắc hội chứng Down - tắm rửa, vệ sinh. Xong việc, B. lại ngồi lặng trong phòng. "Em nhớ ba mẹ lắm nhưng không dám khóc to, sợ anh Hai buồn thêm…" - giọng B. đứt quãng vì những tiếng nấc ngang.

Anh em N.Ð.B từng bước qua cửa tử Covid-19 trở về. Ðầu tháng 8 - cao điểm dịch bệnh, sau khi đi tiêm vắc-xin về, cha em phát sốt. Bảy ngày sau, ông khó thở rồi đột ngột ra đi. Tại khu cách ly tập trung, mẹ B. cũng trở nặng rồi không qua khỏi. Ở ngưỡng cửa tuổi 17, B. đủ thấm thía lằn ranh sống - chết thật sự mong manh.

* * *

Những biến cố do đại dịch đã đột ngột đổ ập xuống nhiều người, nhiều gia đình. Trong các cuộc trò chuyện, nhiều người như chị Phượng vẫn còn thảng thốt về những gì đã qua.

Những ngày dịch bệnh bùng phát, chồng chị Phượng cố bám trụ lại công ty. Gia cảnh khó khăn, vợ bệnh nan y, con gái lớn vừa học xong cao đẳng chưa tìm được việc làm còn con trai thì khiếm thính nên gánh nặng kinh tế đổ dồn lên vai anh. Ngay tuần đầu tiên thực hiện "3 tại chỗ", công ty anh xuất hiện ca F0. Anh trở thành F1, được đưa đi cách ly tập trung. Rồi anh chuyển nặng, dù được điều trị tích cực nhưng không qua khỏi.

Nhắc lại hôm được đại diện Báo Người Lao Ðộng mang 5 triệu đồng do bạn đọc đóng góp qua chương trình "Tình thương cho em" gửi tặng N.T.Ph, chị bật khóc vì sự thấu hiểu và giúp đỡ kịp thời từ những người chẳng phải ruột thịt, thân quen.

Theo chị Phượng, những khoảng trống vô hình mà người chồng, người cha để lại khó thể lấp đầy. "Nhưng đâu thể sống mãi trong tuyệt vọng. Tôi đang ráng dành dụm mở tiệm tạp hóa nhỏ kiếm đồng ra đồng vô lo cho Ph. đi học tiếp. Con gái tôi cũng vừa tìm được việc làm. Ba mẹ con phải sống tiếp, sống cho cả phần của anh ấy" - chị trở nên mạnh mẽ. 

Trải qua biến cố, N.Ð.B cũng trở nên mạnh mẽ, trưởng thành hơn. B. cho biết vẫn chưa thể quên cảm giác vừa bất ngờ vừa xúc động khi "Tình thương cho em" đến nhà thăm hỏi trong những ngày hai anh em gắng gượng vượt qua nỗi đau mất mát. Sự động viên, sẻ chia kịp thời từ những người chưa quen biết như liều thuốc an thần giúp B. tĩnh tâm hơn.

* * *

Câu chuyện của anh em N.Ð.B đã được tôi kể lại cho chị em B.Y.Ng (13 tuổi) - B.Y.N (6 tuổi; cùng ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12) trong lần trở lại thăm hai bé sau khi chương trình "Tình thương cho em" đến nhà trao quà hỗ trợ. Ng. tỏ ra ngưỡng mộ B., ngưỡng mộ nghị lực sống vượt qua những bi thương tận cùng.

Chị em Ng. vẫn còn may mắn vì có mẹ bên cạnh. Rời Tiền Giang lên TP HCM lập nghiệp với giấc mơ đổi đời đã 13 năm nhưng vợ chồng chị Yến thấy ngày càng mờ mịt, nhất là khi trải qua đợt dịch lần thứ 4 rồi người chồng qua đời do Covid-19. Nghe mẹ bàn chuyện đưa hai chị em về quê với bà nội một thời gian, vừa để nguôi ngoai buồn thương vừa giảm bớt chi phí sinh hoạt, Ng. tư lự. "Về quê có học online được không mẹ? Khi nào mình lên đây lại? Mẹ còn đủ tiền để về không?" - cô bé hỏi dồn dập khiến chị lặng người.

Khi cầm trên tay 10 triệu đồng từ chương trình "Tình thương cho em", chị Yến nói lời cảm ơn trong nước mắt. Chị dự định sẽ trích một phần làm lộ phí cho ba mẹ con về quê, khoản còn lại sẽ để dành cho ngày quay lên TP HCM thực hiện tiếp ước mơ đổi đời.

Biết được 10 triệu đồng là số tiền do nhiều người góp tặng, hôm tôi quay lại thăm, Ng. thỏ thẻ: "Con cảm ơn các cô chú, anh chị. Mong sao không còn bạn nào giống chị em con, giống anh em anh B…".  Sự hiểu chuyện của một đứa trẻ 13 tuổi khiến tôi xúc động.

Nhận thức về tình người, về sự sẵn sàng sẻ chia của người xung quanh sẽ giúp những đứa trẻ hiểu thêm về điều các em được răn dạy: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng". Ðây sẽ là hành trang quý báu để các em bước vào đời.



Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo