Thanh Vân: Thành phố dịch vụ - du lịch
Để giữ vững ngôi vị đầu tàu kinh tế, một thành phố mang tầm quốc tế trong tương lai, TP HCM cần có một quy hoạch tổng thể về đô thị, phát triển hài hòa trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...
Theo đó, công nghiệp vẫn giữ vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế, xã hội với "tổng hành dinh" là các khu vực ngoại thành, còn nội ô thành phố là "sân chơi" của dịch vụ, du lịch...
TP HCM hiện có nhiều công trình tượng đài nhưng hầu như chưa ghi dấu hay xứng tầm, nhiều tượng đài xuống cấp, không được tu bổ, nâng cấp... Các khoảng không gian xanh còn khiêm tốn, quần thể kiến trúc văn hóa đô thị cộng đồng gần như không có.
Phát triển một thành phố theo hướng dịch vụ, du lịch thì không thể thiếu những không gian chung hay có thể nói càng có nhiều không gian chung càng tốt. Đó là các công viên, dòng sông, bảo tàng, quảng trường, tượng đài…, thậm chí là khu rừng trong thành phố.
Nếu xác định xây dựng khu vực nội ô thành phố thành trung tâm dịch vụ, mua sắm, du lịch…, trước hết phải giải quyết bài toán quá tải về dân cư, giao thông.
Thành phố nên mạnh dạn hoán chuyển một số bộ phận, đơn vị hành chính ra khỏi nội thành, vừa giảm tải cho nội ô vừa phát triển ngoại thành.
Các trường đại học cũng di dời đến các "làng đại học", lập khu "ngoại giao đoàn" dành cho lãnh sự, tổng lãnh sự và các cơ quan quốc tế khác. Khi đó, nội ô thành phố sẽ đủ rộng cho các công trình văn hóa, đô thị cộng đồng.
Tôn tạo và xây dựng thêm một vài tượng đài đủ tầm vóc và ấn tượng. Đặc biệt là tạo dựng một quần thể văn hóa đô thị vừa hiện đại, vừa mang đậm bản sắc truyền thống, dân tộc, lịch sử… như bộ mặt, điểm nhấn chính của thành phố.
Một quần thể trong tương lai với chợ Bến Thành là tâm điểm; một công viên Quách Thị Trang "lên đời" thành Quảng trường TP HCM với nhà ga metro Bến Thành; bán kính ôm trọn tuyến phố đi bộ, sông Bạch Đằng, Nhà hát Thành phố , Nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND thành phố...
Bên cạnh đó là phát triển hệ thống bán lẻ, siêu thị với đủ các chủng loại hàng hóa, từ hàng nội địa đến các nhãn hàng hàng đầu thế giới. Khuyến khích và hỗ trợ người dân, các tổ chức xã hội, tôn giáo tham gia dịch vụ, phục vụ, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đất nước.
Về mặt hành chính tổng thể, chúng ta đã có TP Thủ Đức, nay mai nên có thêm những "thành phố phía Tây" Bình Chánh hay "thành phố xuyên Á" Củ Chi, cũng như "thành phố dịch vụ - du lịch" mang tên Sài Gòn - Chợ Lớn.
TP HCM đón những vị khách “xông đất” ngày đầu năm 2022, với kỳ vọng du lịch sớm khôi phục sau giai đoạn Covid-19 Ảnh: Bình An
Chung Thanh Huy:
Thay đổi, thích ứng để phát triển
Trong giai đoạn hiện nay, để phục hồi ngành du lịch, TP HCM cần xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực; tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn; chủ động kết nối bước đầu với các tỉnh, thành, vùng lân cận để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng, nâng cao giá trị cạnh tranh của du lịch nội địa và thống nhất các tiêu chí an toàn giữa các địa phương.
Bên cạnh các sản phẩm du lịch có thế mạnh trước đây, cần phát triển, nâng cao chất lượng nhiều sản phẩm du lịch như: du lịch ẩm thực, mua sắm, đường thủy, sinh thái, y tế, tham quan thành phố, tham quan dã ngoại gắn với nông nghiệp và nông thôn mới vùng ven, hành hương…
Chú trọng hơn với du khách là nhóm nhỏ, gia đình, bạn bè, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện, hội thảo)...
Tập trung khắc phục những tồn tại như sản phẩm quà tặng còn đơn điệu, trùng lắp; mua bán gian dối, nói thách; người bán hàng rong chèo kéo du khách; taxi dù, xích lô "chặt chém" du khách…
Phát triển các tour du lịch mới theo xu hướng du lịch tại chỗ (staycation) với các tour khám phá địa phương thiết kế cho người dân địa phương với những hoạt động khám phá địa danh, văn hóa; du lịch biệt lập (isolated travel); du lịch xanh (green travel) gắn với những địa điểm thiên nhiên biệt lập và văn hóa bản địa gắn với mục tiêu phục hồi và bảo tồn các giá trị tự nhiên, môi trường.
Xu hướng du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe như thể dục dưỡng sinh, thiền, yoga, trị liệu bằng khoáng chất, spa - thẩm mỹ, trải nghiệm ẩm thực, dinh dưỡng… giúp du khách thoải mái thư giãn, nuôi dưỡng tinh thần và làm đẹp thể chất.
Thành phố cần tận dụng những ưu thế của công nghệ, quảng bá du lịch thông qua các hội chợ trực tuyến, sàn thương mại điện tử, các ứng dụng du lịch thông minh. Các giải pháp chuyển đổi số cần được tích cực triển khai sớm. Ngoài thị trường nội địa, các doanh nghiệp cần hướng tới những thị trường gần và đã kiểm soát được dịch.
Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch về thuế, bảo hiểm, tín dụng, có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay…
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)