Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 2.193 doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế, trong đó có 807 DN cổ phần, 27 DN liên doanh, 1.353 công ty TNHH và 6 DN tư nhân.
Du lịch trực tuyến lên ngôi
Về doanh thu, báo cáo của ngành du lịch cho thấy 6 tháng đầu năm 2021, du lịch tiếp tục chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Ước tính số liệu khách du lịch nội địa đạt 30,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỉ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn. Thị trường du lịch toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ với sự lên ngôi của du lịch trực tuyến. Tại khu vực Đông Nam Á, Google dự đoán giá trị của du lịch trực tuyến sẽ tăng từ 22 tỉ USD năm 2015 lên 90 tỉ USD năm 2025.
Diễn đàn du lịch trực tuyến trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM TP HCM 2018 cũng chỉ ra 80% du khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2019 đều tham khảo thông tin điểm đến trên internet và 70% đặt chỗ, mua dịch vụ trực tuyến.
Điều này cho thấy thói quen tiêu dùng của du khách đang phụ thuộc nhiều vào công nghệ. Đây chính là cơ hội để các nhà quản lý, DN du lịch dễ dàng nắm bắt nhu cầu thật sự của du khách, từ đó cung cấp sản phẩm đúng, trúng tới từng đối tượng khách hàng mục tiêu.
Hiện nay, trong lĩnh vực du lịch trực tuyến, nhất là ở thị trường đặt chỗ trực tuyến (booking online), ở thành phố chúng ta vẫn đang bị các DN nước ngoài thao túng. Nhiều công ty du lịch trực tuyến của TP HCM vừa hình thành đã không thể đi tiếp để cạnh tranh về mô hình, doanh thu, hiệu quả lẫn sự hỗ trợ từ các ban, ngành.
Các sàn giao dịch điện tử về du lịch ở TP HCM mới chỉ thực hiện được khoảng 30% số nhu cầu giao dịch do so với DN nước ngoài, DN du lịch của ta đi sau hàng chục năm về kinh nghiệm, tiềm lực tài chính còn hạn chế và yếu hơn về nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó, mức độ hiểu biết của từng DN về số hóa cũng không cao và chưa đồng đều. Việc số hóa sẽ dẫn tới tái cấu trúc DN và quy trình kinh doanh, đây là sự thay đổi mà không phải DN nào cũng sẵn sàng để bước vào "cuộc chơi lớn".
Nhiều bạn trẻ chọn sử dụng xe đạp công cộng để tham quan TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và lâu dài
Ngành du lịch TP HCM cần nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển đổi số để hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu thông minh. Việc số hóa sẽ giúp thống nhất khối dữ liệu du lịch khổng lồ đang tản mát để các thành phần cùng khai thác, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ du lịch nhờ khả năng cá nhân hóa xu hướng, nhu cầu của du khách.
Số hóa hệ thống dữ liệu du lịch không chỉ giúp chủ động cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu về điểm đến của du khách thông qua thiết bị thông minh mà còn hướng tới đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; hỗ trợ DN kết nối thuận tiện với các chủ thể liên quan, từ đó tăng cường hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh cũng như uy tín thương hiệu du lịch quốc gia.
Tuy nhiên, để thực hiện số hóa hoàn toàn các dữ liệu du lịch của TP HCM không phải công việc đơn giản, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có nội dung văn hóa sâu sắc và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều ngành khác như: an ninh, vận tải, y tế, thương mại... Sản phẩm du lịch được hợp thành bởi một chuỗi cung ứng dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng tới khu vui chơi giải trí, điểm tham quan... Do đó, việc chuyển đổi số hóa các dữ liệu du lịch đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và lâu dài của nhiều thành phần dựa trên nền tảng công nghệ mạnh và thống nhất.
Theo các chuyên gia du lịch, công việc này đòi hỏi nhiều nhân lực, vật lực song thách thức hơn là khi có được hệ thống thông tin số trong tay, làm thế nào để quản lý và sử dụng một cách hiệu quả nhất, tạo cú hích giúp các DN du lịch có thể tận dụng thế mạnh này để làm chủ trên sân nhà.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nên có những chính sách kiến tạo môi trường để các DN trong nước có đủ thời gian lớn mạnh, tích lũy nguồn lực, đổi mới công nghệ. Số hóa không có nghĩa là chỉ tổng hợp, chuyển đổi các thông tin du lịch lên môi trường số mà còn là số hóa cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá du lịch tới đối tượng khách hàng mục tiêu.
Để thực hiện điều này đòi hỏi sự đổi mới trong cả tư duy và hành động của toàn ngành du lịch, từ đơn vị quản lý đến các DN để tăng cường năng lực công nghệ phù hợp xu thế phát triển mới.
Chuyển đổi số trong ngành thủ công mỹ nghệ
Là ngành đặc thù có tính nghệ thuật - văn hóa, ngành thủ công mỹ nghệ muốn chuyển đổi số thì điều đầu tiên là phải trang bị năng lực quản trị cho chủ DN, bao gồm quản trị tài chính và quản trị nhân sự.
Với đặc thù của ngành, trang bị hệ thống máy tính, hệ thống quản lý dữ liệu đủ lớn cho các công ty đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị, từ đó lan tỏa đến các công ty khác. Cần một hệ thống thông tin đủ mạnh của ngành do hiệp hội quản lý và xây dựng, sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để đề ra hướng đi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, gắn liền với sự thay đổi mà không làm mất đi bản sắc văn hóa vùng miền của mỗi DN hay cơ sở sản xuất.
Mục đích của chuyển đổi số là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Với ngành thủ công mỹ nghệ, việc ra quyết định nhanh chóng cũng phụ thuộc nhiều vào các khách hàng truyền thống lâu đời. Chính vì vậy, mục đích của chuyển đổi số trong ngành này sẽ tập trung nhiều hơn vào tăng năng suất lao động, qua đó tối ưu lợi nhuận.
Trong ngành thủ công mỹ nghệ, người thợ chủ yếu sử dụng sự sáng tạo để tăng giá trị cho sản phẩm nên cách áp dụng chuyển đổi số cũng có phần khác. Có thể gián tiếp áp dụng các biện pháp để tăng năng suất lao động cho lao động ngành này như: áp dụng công nghệ tạo hình trong thiết kế sản phẩm; đầu tư hệ thống máy móc tự động, phát triển các phần mềm theo dõi thời gian sản xuất sản phẩm; số hóa thông tin sản phẩm, dữ liệu khách hàng, quy trình sản xuất...
Xây dựng một nền tảng quảng bá thương hiệu, hình ảnh, truyền thống văn hóa của ngành thủ công mỹ nghệ thông qua app và các thiết bị di dộng. Có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc, không chỉ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ mà còn đẩy mạnh phát triển dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực...
Để làm được điều đó, đòi hỏi các DN thủ công mỹ nghệ ở TP HCM cần liên kết lại, hợp tác chặt chẽ hơn trong việc tạo ra một sàn thương mại điện tử mang tính chất thường xuyên, kết nối giữa khách hàng và nhà cung cấp. Tăng cường chuyển đổi số trong chính các tổ chức xã hội, tổ chức liên kết các làng nghề...
Đinh Thành Trung
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)