Xử lý hình sự đối với những đối tượng này không chỉ đem lại niềm tin cho người dân về một xã hội tuân thủ pháp luật mà còn là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với các đối tượng xem thường pháp luật.
Ngoài ra, đối với các tiệm, lò "độ" xe phục vụ cho việc đua xe trái phép cũng cần có chế tài thật nghiêm, nhẹ thì tước giấy phép kinh doanh, nặng có thể xem xét xử lý về hành vi tổ chức đua xe trái phép với vai trò đồng phạm giúp sức.
"Giỡn mặt" với pháp luật
Gần đây, trên địa bàn TP HCM và các địa phương xảy ra tình trạng tổ chức đua xe trái phép rầm rộ, với quy mô lớn. Không chỉ tổ chức đua xe ban đêm mà một số nơi còn tổ chức đua xe vào ban ngày, ở những nơi có đông người qua lại.
Bên trong một lò “độ” xe ở tỉnh Đồng Nai .Ảnh: TRẦN THÁI
Liên tiếp trong nhiều ngày qua, rất nhiều đối tượng ở nhiều địa phương trong cả nước tổ chức những cuộc đua xe trái phép quy mô từ hàng chục người trở lên. Điển hình là vụ chặn đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Những đối tượng đua xe liều lĩnh chặn một đoạn cao tốc này để tổ chức đua xe, sau đó quay clip đưa lên mạng để khoe "chiến tích".
Khi vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh làm rõ thì lại tiếp tục xảy ra vụ việc một số đối tượng chặn một đoạn đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giao với Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP HCM) để tổ chức đua xe ngay giữa ban ngày. Trước đó 2 ngày, vào ngày 18-4, Đội CSGT An Sương phát hiện 15 xe máy tụ tập lưu thông thành đoàn và đi vào đường cấm, dàn hàng ngang, chặn đầu ôtô để biểu diễn trên đường Trường Chinh (quận 12, TP HCM).
Mới nhất là rạng sáng 20-4, hàng trăm "quái xế" tổ chức đua xe trên đường dẫn cầu Cần Thơ (đoạn thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long). Các phương tiện lưu thông qua cầu Cần Thơ không dám hoặc lưu thông rất chậm do bị hàng trăm "quái xế" chiếm hết mặt đường...
Đủ cơ sở để khởi tố
Hàng loạt vụ tổ chức đua xe trái phép diễn ra vừa qua cho thấy những hành vi này không phải tự phát mà có tổ chức. Hành vi tổ chức được thể hiện rất rõ thông qua việc lôi kéo, tụ tập, có phân công người chặn các tuyến đường để tổ chức cho các "quái xế" thực hiện hành vi đua xe. Hành vi tổ chức đua xe này không chỉ vi phạm pháp luật mà tiềm ẩn rất nhiều rủi ro liên quan đến an toàn giao thông cho người tham gia giao thông, gây mất trật tự trị an. Việc các đối tượng này tổ chức chặn các đường mà họ biết lưu lượng xe qua lại rất đông đủ cho thấy ý thức xem thường pháp luật đến mức độ nào. Có thể thiệt hại về người chưa xảy ra nhưng thiệt hại về mặt xã hội là hết sức nghiêm trọng.
Vì vậy, theo chúng tôi, hành vi này không còn ở phạm vi vi phạm hành chính mà có dấu hiệu của tội phạm hình sự về tội "Tổ chức đua xe trái phép" theo điều 265 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, tội "Tổ chức đua xe trái phép" - chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này ở tất cả các khoản của điều luật. Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật (mức khởi điểm là 4 năm tù, mức cao nhất là tù chung thân). Hành vi tổ chức đua xe trái phép thỏa mãn các dấu hiệu về mặt khách thể là xâm phạm đến an toàn công cộng, xâm phạm đến trật tự công cộng.
Xâm phạm an toàn công cộng được hiểu là gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của con người ở nơi công cộng, làm cho mọi người hoang mang lo sợ. Cùng với việc gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của con người thì hành vi tổ chức đua xe trái phép còn gây mất trật tự công cộng, gây náo động nơi công cộng, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cộng đồng và hoạt động giao thông của người dân.
Người phạm tội tổ chức đua xe trái phép có thể thực hiện một trong các hành vi: khởi xướng ra việc đua xe; chỉ huy việc đua xe; lôi kéo, kích động người khác đua xe; cung cấp xe cho người đua xe; tổ chức canh gác, bảo vệ hoặc chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ; huy động, lôi kéo, mua chuộc người khác cổ vũ cho cuộc đua...
Với những phân tích ở trên, có thể thấy rằng các vụ việc tổ chức đua xe trái phép đã đủ yếu tố để xử lý hình sự.
Đối với những đối tượng trực tiếp tham gia đua xe, cũng cần xem xét xử lý về hành vi "Đua xe trái phép" theo điều 266 Bộ Luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù và phạt bổ sung đến 50 triệu đồng. Trường hợp qua điều tra xác minh, những đối tượng nào chưa đến mức xử lý hình sự thì cần áp dụng điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi đua xe trái phép, lạng lách đánh võng và cổ vũ đua xe trái phép có thể bị phạt tới 8 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 5 tháng và bị tịch thu phương tiện.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-4
Không khó để trị đua xe
Liên quan đến nạn đua xe trái phép bùng phát thời gian gần đây, có 4 vấn đề cần xem xét: "độ xe", tổ chức đua xe, đua xe và cổ vũ đua xe trái phép.
Liên quan đến các lò "độ" xe, hiện pháp luật hình sự nước ta không có tội danh "độ" xe. Đối với các hành vi "độ" xe chỉ có thể xử phạt hành chính đối với các trường hợp: thay đổi màu sắc, kết cấu của xe.
Dù vậy, nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được việc độ xe đó đưa vào sử dụng phương tiện không bảo đảm an toàn thì có thể bị xử lý theo điều 262 Bộ Luật Hình sự tội "Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn".
Về đua xe trái phép, hiện có 2 dạng: đua xe tự phát và có người đứng ra tổ chức đua. Nếu đua xe để ăn tiền, có thể khởi tố tội "Tổ chức đánh bạc".
Về cổ vũ đua xe trái phép, hiện không có tội danh nào là cổ vũ đua xe trái phép nhưng nếu đủ yếu tố vẫn có thể xử lý tội "Gây rối trật tự công cộng" theo điều 318 Bộ Luật Hình sự.
Triệt xóa đua xe trái phép, không khó! Nếu làm quyết liệt, đồng bộ, có thể sớm trị dứt điểm. Cụ thể, cứ đoạn đường nào thường xuyên diễn ra đua xe, phải gắn camera, bên cạnh việc tuần tra kiểm soát để bắt "nóng", CSGT còn có thể phạt "nguội"... Các đối tượng bị bắt, đem ra xử lưu động để răn đe.
Ngoài ra, các lực lượng liên quan như CSGT, công an khu vực phải tăng cường phối hợp, tuần tra, kiểm soát nhất là vào các ngày cuối tuần. Chỉ cần có dấu hiệu tụ tập trên đường là ngăn chặn ngay. Địa bàn, địa phương nào để xảy ra tình trạng đua xe trái phép thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn Luật sư TP HCM)
Bình luận (0)