Ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM ban hành Kế hoạch số 305, Báo Người Lao Động đã chủ động tổ chức diễn đàn "Lắng nghe người dân hiến kế" nhằm khơi dậy mạnh mẽ, toàn diện sức dân, qua đó góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố thực hiện đạt kết quả cao Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Hàng trăm ý tưởng
Diễn đàn "Lắng nghe người dân hiến kế" đã tiếp nhận được nhiều kế sách, giải pháp, ý tưởng hay của bạn đọc đóng góp cho TP HCM trong nhiều lĩnh vực với sức lan tỏa ngày một tăng. Để nâng cao chất lượng và mở rộng tầm vóc của diễn đàn, Báo Người Lao Động đã phát triển diễn đàn thành cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế".
Trong buổi lễ trao giải lần 1, ngày 4-6-2020, lãnh đạo TP HCM đã nhận cuốn sách “Lắng nghe người dân hiến kế”, tập hợp 50 bài viết có chất lượng của các chuyên gia, nhà khoa học và bạn đọc Báo Người Lao Động, từ Tổng Biên tập Tô Đình Tuân (thứ 5 từ trái sang). Ảnh: Hoàng Triều
Sau 4 tháng tổ chức (từ ngày 24-9-2019 đến 21-1-2020), cuộc thi đã nhận được 71 bài dự thi và 115 ý kiến của các tác giả trong và ngoài nước. Những tác phẩm dự thi hiến kế cho TP HCM trong nhiều lĩnh vực: xây dựng, quy hoạch đô thị, giao thông, cải cách hành chính, giáo dục, y tế, kinh tế… Có thể thấy những tác phẩm gửi về Báo Người Lao Động không đơn thuần chỉ để tham gia cuộc thi mà đó còn là tâm huyết, ý thức trách nhiệm và tình cảm yêu quý TP HCM của các tác giả.
Ngày 4-6-2020, Báo Người Lao Động đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải đợt 1 cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế", gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích; đồng thời phát động cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 (bắt đầu từ ngày 4-6-2020 đến hết ngày 31-5-2021), tập trung vào 3 chủ đề: "Đô thị thông minh", "Khởi nghiệp - thương hiệu của TP HCM", "Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM".
Trong cuộc thi lần 2, Báo Người Lao Động tiếp tục nhận được nhiều bài thi có chất lượng cao của các tác giả đến từ nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có nhiều chuyên gia và trí thức yêu nước. Ban tổ chức đã chấm và trao 1 giải nhì, 2 giải ba, 3 giải khuyến khích cho các hiến kế nổi bật.
Khép lại cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 nhưng nhận thấy nhiều độc giả, trí thức trong và ngoài nước vẫn mong mỏi có một diễn đàn, kênh thông tin để gửi đến lãnh đạo TP HCM những đóng góp tâm huyết, trí tuệ cho thành phố, Báo Người Lao Động đã phát động tiếp cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 (năm 2021-2022), với 3 chủ đề: Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; Làm gì để chuyển đổi số thành công? Đến nay, sau hơn 4 tháng phát động, Báo Người Lao Động đã lựa chọn và đăng hơn 40 tác phẩm từ các nơi gửi về.
Tài sản quý báu
Là Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi lần 1 và lần 2, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM - nhận xét việc Báo Người Lao Động tổ chức cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" đã tạo ra cầu nối giữa Đảng, chính quyền và người dân để cùng chung tay xây dựng TP HCM hiện đại và phát triển. "Nội dung hiến kế phong phú, có những ý kiến mới chỉ là nét chấm phá nhưng mở ra cho thành phố những triển vọng sắp tới; cũng có những ý kiến xây dựng thành những nội dung khá chi tiết. Đảng bộ thành phố sẽ luôn luôn tiếp nhận và lắng nghe" - ông Phan Nguyễn Như Khuê nói.
Với TS Nguyễn Đức Kiên (thành viên Hội đồng Giám khảo cuộc thi lần 1 và lần 2), cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" của Báo Người Lao Động là một sáng kiến hay và bổ ích, vừa thể hiện được vai trò tiếng nói của người lao động TP HCM, gắn kết người lao động với những vấn đề của thành phố; đồng thời, thể hiện trách nhiệm của người lao động với thành phố mình đang sống và làm việc, qua đó làm cho TP HCM trở thành một nơi đáng sống hơn.
Phát biểu tại lễ trao giải cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nhận xét cuộc thi là một diễn đàn mở để những người có tâm huyết với TP HCM cùng trao đổi, thảo luận, có thêm nhiều ý tưởng chất lượng cho thành phố. Những hiến kế tại cuộc thi là tài sản quý báu, thể hiện sự quan tâm, tình yêu, lòng tự hào, niềm mong mỏi của các tầng lớp nhân dân về sự phát triển mạnh mẽ của thành phố mang tên Bác. "Với những ý tưởng độc đáo, có giá trị, chúng ta cần hỗ trợ những điều kiện cần thiết để ý tưởng thành đề án cụ thể, sớm triển khai thành hiện thực" - ông Dương Anh Đức góp ý.
Bình luận (0)