Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về vai trò của ÐBSCL đối với du lịch TP HCM, để thấy tầm quan trọng và việc kết nối là cần thiết?
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ
- Ông Bùi Tá Hoàng Vũ: ĐBSCL là điểm đến bổ trợ, điểm đến liên kết cho TP HCM nhờ điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, sự đa dạng về sinh học của vùng sông nước, phong phú ẩm thực... Bản thân các tỉnh, thành trong vùng này là điểm đến liên kết hấp dẫn cho những liên tour, liên tuyến khu vực TP; có vai trò quan trọng trong quá trình làm đa dạng sản phẩm du lịch của TP, vừa là thị trường cung cấp nguồn khách vừa là thị trường lân cận để du khách có sự lựa chọn khi tới TP HCM du lịch. Chẳng hạn, trong 29 triệu khách nội địa tới TP, một lượng không nhỏ từ miền Tây.
Gần đây, khi một số địa phương trong vùng có sân bay quốc tế, lượng khách nước ngoài đến miền Tây và xem TP HCM như điểm đến du lịch thứ 2 ngày càng tăng. Nếu kết nối, liên kết vùng tốt sẽ khai thác nhiều hơn xu hướng này, góp phần gia tăng khách du lịch tới TP.
* Thực ra chuyện kết nối du lịch là không mới, mà đã từng được đề cập, tổ chức, thưa ông?
- Phải nói khách quan là sau quá trình kết nối giữa TP HCM với vài địa phương thì có phát huy nhất định trong công tác quản lý, công tác chia sẻ thông tin, quảng bá, kết nối nhưng đến hiện tại, TP HCM có nhu cầu kết nối một cách đồng bộ hơn với toàn vùng để việc liên kết toàn diện hơn, để công tác du lịch giữa TP và ÐBSCL được bổ trợ và phát triển. Xuất phát từ điều này, TP HCM và các địa phương ở ÐBSCL đang nỗ lực nâng tầm liên kết, làm cụ thể, sâu sắc hơn liên kết này.
TP HCM muốn khởi xướng chuyện liên kết này khi thấy có nhu cầu thật sự và muốn nâng tầm liên kết với các điểm đến ở ÐBSCL để không chỉ là trung tâm cung cấp nguồn khách, còn trở thành điểm đến thu nhận lượng khách lớn từ khu vực này. Chẳng hạn, lộ trình TP HCM - Củ Chi - sông Mê Kông luôn là một trong những chuỗi hành trình hàng đầu được du khách lựa chọn, nhất là khách nước ngoài. Giờ nếu liên kết tốt sẽ thêm hỗ trợ, lịch trình tour hấp dẫn hơn.
ÐBSCL là điểm đến bổ trợ, điểm đến liên kết cho TP HCM nhờ thuận lợi về vị trí địa lý, sự đa dạng sinh học của vùng sông nước và phong phú ẩm thực Ảnh: NGỌC TRINH
* Theo ông, còn những vướng mắc, hạn chế nào trong quá trình liên kết du lịch giữa TP HCM và ÐBSCL cần điều chỉnh, cải thiện?
- Ðó là sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý điểm đến và các doanh nghiệp điều hành tour. Việc đầu tư để nâng cấp, nâng chất lượng các điểm đến chưa được chú trọng. Tính lập lại, giống nhau trong quá trình xây dựng sản phẩm ở các điểm đến chưa tạo sự chặt chẽ. Công tác quảng bá, xúc tiến, cung cấp thông tin chưa tốt; ứng dụng công nghệ chưa nhiều; nguồn nhân lực còn thiếu, yếu...
* Vậy lần này, TP HCM và các tỉnh, thành ÐBSCL tổ chức diễn đàn kết nối du lịch, liệu có đột phá?
- Ðúng là liên kết đã được đề cập nhiều nhưng quan trọng nhất là xác định nội dung nào để liên kết và có thật sự hữu ích, khả thi không? Từ nhận thức đó bắt tay vào hành động.
Chẳng hạn, hiện có 4 nội dung của diễn đàn được xác định là đúng, trúng của ngành du lịch trong việc liên kết. Cụ thể là diễn đàn sẽ giới thiệu nhu cầu đầu tư vào hạ tầng, văn hóa, thể thao để các địa phương giới thiệu về nhu cầu của họ, TP cũng có nhu cầu. Các nhà đầu tư gặp gỡ các địa phương để tìm hiểu nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn. Công tác quản lý điểm đến, cải tạo những tài nguyên du lịch hoặc đầu tư mới tài nguyên du lịch của các tỉnh, thành có tính bổ trợ cho nhau... là cơ hội để các địa phương quản lý điểm đến giới thiệu cho doanh nghiệp tổ chức tour, khai thác sản phẩm mới hoặc làm mới sản phẩm hiện có. Giữa TP HCM và ÐBSCL hiện có khoảng 100 tour khác nhau về loại hình, phương tiện đi lại, điểm đến, dịch vụ lưu trú... nên làm mới hoàn toàn là không dễ nhưng sẽ là nơi để người ta bàn về sản phẩm, nên bán gì, phát huy sản phẩm gì. Trao đổi, gặp gỡ để thấy khuynh hướng của du khách cần gì nhằm điều chỉnh...
Khơi dậy những tiềm năng mới
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lữ hành Fiditour, cho rằng du lịch ÐBSCL đang còn tình trạng làm chuyện đã cũ, trong khi có nhiều tiềm năng mới chưa được khơi dậy. Chẳng hạn như Homestay ở miền Tây không nhất thiết phải giống Hội An, Ninh Bình hay các điểm đến khác trên thế giới. Hay các món ăn cũng nên có sự khác biệt dành cho đối tượng khách quốc tế và nội địa. Ðặc biệt, quà tặng cho du khách cần những món đồ lưu niệm có thể giữ lưu giữ lâu hơn, ví dụ có thể khai thác từ các sản vật của Vĩnh Long là rễ cây bần để sáng tạo nhiều đồ vật độc đáo thay vì chỉ quanh quẩn các món bánh mứt, trái cây...
Lữ hành Fiditour từng đặt hàng địa phương để tổ chức những sản phẩm du lịch đặc thù dành cho khách quốc tế như tour trồng lúa, tour du lịch xanh - tham quan vườn quê bằng xe đạp, tour sinh thái - thăm rừng ngập nước Tràm Chim…tạo được ấn tượng tốt với du khách. Nếu với thị trường khách nội địa, các sản phẩm du lịch miền Tây cũng có chủ đề độc đáo, đặc trưng của tỉnh thành mỗi nơi mỗi vẻ, chắc chắn sẽ tạo khác biệt và thu hút. Quảng bá tập trung cũng là điều cần thiết, như gần đây Ðồng Tháp thường xuyên tham gia hội chợ, hội thảo với bản sắc khá khác biệt, đã tạo được thiện cảm tốt với du khách.
Cần cơ chế và mô hình chỉ đạo
TP HCM với lợi thế hạ tầng du lịch hiện đại, trung tâm kinh tế và du lịch của cả nước, là một cửa ngõ đưa khách du lịch về miền Tây. ÐBSCL với không gian du lịch giàu bản sắc, kết nối tốt với TP HCM tạo ra một không gian du lịch rộng lớn hơn. Tuy nhiên, tình trạng chung là không gian du lịch vùng bị ngắt khúc. Liên kết du lịch chủ yếu thể hiện ở tầm nhìn, thiếu hành động cụ thể. Vậy làm thế nào để việc kết nối thêm hiệu quả?
Cụ thể, ai cũng dễ dàng nhận thấy một người không làm nên chợ. Vì vậy, chuỗi giá trị du lịch không thể "gói" trong không gian hành chính của một tỉnh do tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao của nó. Ðể tổ chức tốt không gian du lịch vùng, phát huy thế mạnh của từng cụm, việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phân vùng sinh thái, văn hóa, khai thác tốt nhất các tài nguyên du lịch vùng, các địa phương gắn kết với TP HCM và TP Cần Thơ, các cụm du lịch phía Ðông, phía Tây ÐBSCL.
Kế đến, liên kết du lịch TP HCM - ÐBSCL cần dựa trên 3 trụ cột. Ðó là liên kết phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm du lịch kết nối và nguồn nhân lực du lịch. Trước tiên là các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không liên vùng cần được kết nối tốt. Hệ thống khách sạn, điểm lưu trú, tour, tuyến du lịch phải là một "blockchain du lịch" gắn kết thành hệ thống để tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính khác biệt hấp dẫn du khách, tránh tình trạng du khách đi một tỉnh biết cả vùng ÐBSCL như vừa qua hoặc đến các đô thị miền Tây vẫn là các hoạt động vui chơi mà ở TP HCM du khách có thể tận hưởng tốt hơn. Kết nối không gian du lịch, liên kết tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách chính là cách "mở khóa" phát triển du lịch liên vùng TP HCM và ÐBSCL. Ngoài ra, cần một chương trình liên kết vùng nhằm phát triển du lịch dựa trên nền tảng "lợi thế dùng chung" và tạo ra "sản phẩm du lịch xanh đặc thù". Hãy nhớ, liên kết vùng không chỉ những hoạt động ký kết hợp tác, hay liên kết giữa chính quyền địa phương với nhau, mà quan trọng hơn là tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân làm du lịch, tạo ra các chuỗi giá trị ngành du lịch phát triển bền vững.
Ðặc biệt, thời gian qua, liên kết vùng được nhiều tỉnh, thành và nhà đầu tư quan tâm với nhiều nỗ lực tăng cường liên kết, hợp tác tạo ra tiếng nói chung nhưng trong thực tế, vẫn chưa có một "cơ chế pháp lý" rõ ràng và "một mô hình chỉ đạo, điều phối", vì vậy, điều tiên quyết là phải thực hiện cho bằng được việc này.
TS Trần Hữu Hiệp (Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL)
Bình luận (0)