Thời gian qua, Báo Người Lao Động liên tục nhận được phản ánh của người dân TP HCM về tình trạng ô nhiễm do thu gom, tập kết rác không hợp lý, không chỉ khu vực ngoại thành mà ngay cả trung tâm TP.
"Sao lại chọn công viên làm nơi tập kết rác?"
Khoảng 17 giờ ngày 22-6, tại trạm trung chuyển rác khu vực công viên cạnh ngã tư Phan Văn Trị - Nguyên Hồng (phường 11, quận Bình Thạnh), hàng chục xe rác tự chế bắt đầu tập kết về.
Không đợi xe công ty công trình đô thị đến, những người thu gom rác đổ thẳng rác xuống lòng đường Phan Văn Trị rồi bỏ đi. Chỉ trong nháy mắt, một đống rác lớn cùng nước thải nhếch nhác, bốc mùi hôi thối nhanh chóng hình thành và án ngữ ra giữa lòng đường. Thấy chúng tôi đưa máy ảnh ra tác nghiệp, một người đàn ông bước đến nói: "Chừng này chưa là gì đâu vì lúc nãy xe tải mới tới lấy rác một đợt rồi. Lúc cao điểm, các xe đầy ụ rác chen nhau chiếm nửa con đường. Rác trên xe, rác dưới đường vừa hôi thối vừa cản trở giao thông".
Bãi rác tạm Hiệp Thành (quận 12) gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc nhiều năm nay Ảnh: Quốc Chiến
Trạm trung chuyển rác ngay khu vực công viên tại ngã tư Nguyên Hồng - Phan Văn Trị
(quận Bình Thạnh) Ảnh: Quốc Chiến
Theo phản ánh của người dân, trạm trung chuyển rác này hình thành khoảng 2 năm trở lại đây khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. "Trước đây, chúng tôi thường ra công viên vui chơi, tập thể dục nhưng nay trở thành nơi gom rác, ruồi nhặng, đầy rác. Ngày nắng thì mùi hôi bốc nồng nặc, cả khu phố chịu không thấu; ngày mưa, rác và nước thải tràn cả vào nhà. Chất lượng cuộc sống không bảo đảm, việc kinh doanh, buôn bán trì trệ vì xung quanh hôi thối, bẩn thỉu nên không ai muốn vào. Công viên ở TP không nhiều, có một khoảng xanh để người dân tập thể dục là rất quý, không hiểu sao người ta lại chọn khu vực công viên làm nơi tập kết rác? Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương về tình trạng này nhưng vẫn chưa được giải quyết" - một người dân bức xúc.
Điểm tập kết rác trên tuyến đường Nguyễn Văn Nghi (đoạn chợ Gò Vấp) cũng liên tục bị người dân phàn nàn vì gây hôi thối, nhếch nhác. Hầu như tất cả rác thải từ các khu chợ và rác thải sinh hoạt không được cho vào thùng, xe rác trung chuyển mà chất thành đống xuống mặt đường. Có những đoạn rác tập kết kéo dài cả chục mét, ruồi bọ bay loạn xạ. Vào buổi tối, các xe rác chuyên dụng cạp rác từ dưới mặt đường khiến nước bẩn vương vãi lênh láng, mùi xú uế xông lên nồng nặc. Bà Ngô Thị Hà (ngụ đường Phan Văn Trị) phản ánh: "Lượng rác ở các khu chợ quanh đây rất nhiều, người ta lười để vào các xe rác, thùng rác mà dồn lại thành từng đống trên mặt đường. Ngày nào cũng vậy, cứ chiều về, rác chất đống bốc mùi khủng khiếp".
Tương tự nhiều nơi tập kết, thu gom rác khác tại khu vực Công viên Âu Lạc (đường Hùng Vương, quận 5), đường Hoàng Sa (quận 3), đường Tân Hóa (quận 11), đường Phạm Thế Hiển - Tạ Quang Bửu (quận 8), đường Phú Lâm (quận 11)... cũng khiến người dân hết sức khó chịu.
Cả khu phố khổ vì bô rác
Nhiều năm trở lại đây, người dân sinh sống tại tổ 10 (khu phố 6, phường Hiệp Thành, quận 12) phải sống chung với ô nhiễm do bãi rác tạm ở đây gây ra. Có mặt tại khu vực trên, chúng tôi ghi nhận bãi rác tạm Hiệp Thành rộng khoảng 500 m2 nằm sát mặt đường Dương Thị Mười, cận kề khu dân cư đông đúc. Rác ở đây chất cao như núi nhưng không được che chắn, các phương tiện, dụng cụ của bãi rác nằm vương vãi dọc đường. Đứng cách xa bãi rác hàng trăm mét mà mùi hôi thối xộc lên hết sức khó chịu.
Theo phản ánh của người dân, bô rác xuất hiện trên 10 năm nay. Đây là nơi tập kết rác từ nhiều nơi trong khu vực quận 12 nhưng người dân ở nơi khác cũng mang rác đến vứt dọc đường xung quanh bãi rác khiến cả trong lẫn ngoài bãi rác đều lộn xộn, ô nhiễm. Người dân cho biết mùi hôi ở bãi rác này bao vây khu dân cư cả ngày lẫn đêm, rác tràn hai bên đường, không có chỗ để đi. Mùa nắng thì đầy ruồi, muỗi, chuột bọ; mùa mưa nước rải tràn ra đen ngòm, hôi thối không ai chịu nổi.
"Từ khi có bãi rác tạm này xuất hiện là cũng từng đó thời gian chúng tôi phải chịu cực khổ mà không biết kêu ai. Lo nhất là nguồn nước bị ô nhiễm, do chúng tôi chủ yếu sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt. Mỗi lần họp tổ dân phố, chúng tôi đều kiến nghị chính quyền địa phương nhờ can thiệp và giải quyết tình trạng ô nhiễm của bãi rác nhưng đến nay vẫn vậy" - ông P.V.C (45 tuổi) nói.
Nâng cấp trạm trung chuyển rác
Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường đô thị khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP tại kỳ họp thứ 4 (kỳ họp bất thường) do HĐND TP HCM khóa IX tổ chức, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, cho biết TP có khoảng 1.000 điểm tập trung rác, chủ yếu ở các quận nội thành và phân bố rải rác ở các huyện ngoại thành; 26 trạm trung chuyển đang hoạt động với nhiều quy mô khác nhau, trong đó có 8 trạm trung chuyển hoạt động tạm, đa số là trạm hở và không có hệ thống xử lý môi trường. Ông Thắng nhìn nhận thực trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm tập trung rác với mức độ khá trầm trọng, do nằm xen cài trong các khu dân cư, trên các trục đường chính; việc kết nối không đồng bộ giữa thu gom và vận chuyển nên xe vận chuyển đến điểm tập trung mà không có rác thải để tiếp nhận và ngược lại; các trạm trung chuyển chưa phù hợp với quá trình đô thị hóa của TP...
Cũng tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa khẳng định ngay trong năm 2017, TP rà soát lại tất cả phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải; tính toán thời gian thu gom, vận chuyển hợp lý rác thải từ khu dân cư đến bãi xử lý rác tập trung nhằm hạn chế gây ô nhiễm, kẹt xe; nâng cấp các trạm trung chuyển rác theo công nghệ khép kín; đình chỉ các dự án gây ô nhiễm môi trường.
Bình luận (0)