Theo báo cáo của Sở Tài chính TP HCM, TP dành gần 4.000 tỉ đồng/năm cho vấn đề rác thải. Trong đó, chi cho duy tu hệ thống thoát nước 1.132 tỉ đồng, xử lý rác 2.848 tỉ đồng (gồm quét rác 700 tỉ đồng, vận chuyển 535 tỉ đồng, phân loại rác 88 tỉ đồng, xử lý rác hơn 1.507 tỉ đồng). Đó là chưa tính tiền của người dân đóng hằng tháng cho thu gom rác. Thế nhưng, TP vẫn ngập rác.
Quan trọng nhất là giáo dục
Theo kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, trong một thời gian dài, quản lý đô thị TP không quan tâm đến vấn đề xả rác nên người dân xem chuyện đó là bình thường, trong khi đúng ra phải quan tâm đến việc giáo dục từ cấp học nhỏ nhất. Ý thức người dân là điểm quan trọng bởi lâu nay họ có quan niệm tiện đâu bỏ đấy, thậm chí kênh rạch cũng là nơi đổ rác.
Để xử lý vấn đề này, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP cần một kế hoạch toàn diện cả về pháp lý lẫn giáo dục. Điều luật, quy định đã có nhiều rồi nhưng phạt không xuể vì đây là thói quen xấu của nhiều người. Vì vậy, xử phạt chỉ là phần nhỏ, quan trọng nhất vẫn là giáo dục. Giáo dục người dân phải đồng bộ từ khi còn là trẻ nhỏ cho đến những người đã lớn tuổi. Cụ thể, ngành giáo dục có những đợt vận động không xả rác tận các cấp, từ mẫu giáo đến phổ thông và cả đại học. Bởi dạy con không xả rác thì chính cha mẹ phải làm gương, nếu cha mẹ xả rác không đúng chỗ thì bị con cái nhắc nhở lại. Còn ở địa phương, cấp phường xã cần có các buổi sinh hoạt tình nguyện đi dọn rác của các đoàn thể.
Để thay đổi thói quen xấu này cần kế hoạch toàn diện, không nên làm theo phong trào một vài tháng rồi bỏ. "Được biết, cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước" sẽ kéo dài trong 2 năm, tôi hơi băn khoăn. Liệu 2 năm có đủ để thay đổi một thói quen xấu đã kéo dài mấy chục năm? Chuyện gì cũng cần thời gian và cuộc vận động phải kéo dài ít nhất là 5 năm hoặc 2-3 nhiệm kỳ. Mục tiêu cuối cùng của đợt vận động là làm đến khi nào người dân bỏ thói quen xấu đó đi thì mới kết thúc" - ông Ngô Viết Nam Sơn đề xuất.
Rác từ vỉa hè tràn xuống cả miệng cống thoát nước. (Ảnh chụp trước cổng Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ)Ảnh: Ý Linh
Địa phương phải tăng cường giám sát
Ở góc độ là người đi thu gom rác dân lập, ông Tống Văn Thơm, Chủ tịch Nghiệp đoàn Vệ sinh dân lập quận 5 với hơn 20 năm làm nghề, đúc kết: "Tình trạng người dân vứt rác bừa bãi là một thói quen khó bỏ chứ không phải vì không có thùng rác". Ông Thơm nói nhiều năm qua, TP đã tổ chức nhiều cuộc phát động nhưng địa phương không giám sát, chỉ làm theo phong trào rồi bỏ nên người dân sau đó cũng buông luôn. "Tôi thấy sau buổi ra quân phát động thì trong vòng 5-10 ngày người dân làm theo nhưng chỉ cần địa phương không ngó ngàng đến nữa thì họ ngưng, chẳng khác gì đá thẩy ao bèo" - ông Thơm thẳng thắn.
Cũng theo ông Thơm, ít khi thấy cán bộ phường, xã đi xử phạt những hộ dân vứt rác bừa bãi. "Đống rác nằm ngoài đường, chúng tôi chụp hình báo phường nhưng chẳng ai xuống, chậm chí có phường còn yêu cầu tôi làm công văn, rồi cuối cùng chúng tôi cũng phải đi dọn" - ông Thơm bức xúc.
Góp ý cho đợt vận động lần này của TP, ông Thơm cho rằng TP phải làm ráo riết, đồng loạt, liên tục trên 24 quận, huyện trong nhiều năm. Trong đó, các tổ dân phố phải có trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở người dân tổ dân phố của mình đăng ký đổ rác đúng giờ, đúng chỗ để người thu gom rác đến lấy. Bên cạnh đó cần có chế tài, hộ nào không chấp hành thì nhắc nhở lần đầu, nếu tái phạm thì phải xử phạt. "Phạt vài hộ là họ chấp hành ngay thôi. Nếu làm quyết liệt, chế tài mạnh như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì mọi người sẽ chấp hành" - ông Thơm nhận định.
Ông Thơm cũng lưu ý ở các tuyến đường chính, chỉ nên để các thùng rác nhỏ để khách đi dọc đường bỏ rác, không nên để thùng to phân loại rác tại nguồn vì chỉ tạo điều kiện cho các hộ dân lén đem rác ra bỏ đó, lâu dần thành bãi rác tự phát.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, xả rác bừa bãi cần phải được hiểu là một vấn đề xã hội chứ không chỉ là vấn đề luật pháp.
Bình luận (0)