TP HCM không chỉ năng động, phát triển mà còn là nơi thu hút du khách trong và ngoài nước. Ngoài những điểm đến nổi bật, TP HCM cần mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị, những ấn tượng khó quên khi ghé thăm những di tích lịch sử - văn hóa; ngắm cảnh quan, đường phố ban ngày lẫn về đêm.
Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa
Tính đến năm 2020, TP HCM có 185 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 24 di tích lịch sử. Để bảo vệ, phát huy, quảng bá… những giá trị di tích lịch sử - văn hóa của thành phố, cần nhiều giải pháp.
Trước hết, phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa. Thành phố cần xây dựng những nội quy, quy chế đặc thù nhằm bảo vệ, phát huy những giá trị di tích lịch sử - văn hóa phù hợp tình hình địa phương; quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang các di tích lịch sử - văn hóa. Kinh phí cho việc này, ngoài ngân sách nhà nước, việc kêu gọi các tổ chức, tư nhân, doanh nghiệp đóng góp là cần thiết. Đổi lại, thành phố hỗ trợ cho họ trong quá trình sản xuất - kinh doanh bằng vốn đầu tư, chính sách thuế, hay các khoản ưu đãi khác...
Thành phố cần thành lập những đoàn có những thành viên là chuyên gia, đại diện pháp lý liên ngành để rà soát, bổ sung các công trình, địa điểm có giá trị lịch sử - văn hóa vào danh mục các công trình, địa điểm kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa thành phố. Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng các di tích.
Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên về giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của các di tích. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm bằng việc xây dựng hệ thống "lý lịch" cho di tích lịch sử - văn hóa trên bản đồ, trên các phương tiện thông tin đại chúng, pa-nô, áp phích... Những ngày lễ, Tết, giá vé phải được giảm, thậm chí vào cổng tự do...
Cần gắn kết hài hòa giữa di tích lịch sử - văn hóa với việc phát triển kinh tế - xã hội nhưng tránh việc đặt mục tiêu kinh tế lên di tích lịch sử - văn hóa. Tiến hành rà soát lại việc phát triển kinh doanh, mua bán trong các khu di tích lịch sử - văn hóa đang tồn tại như hiện nay, không để xảy ra tình trạng bát nháo, mất thẩm mỹ, nơi nào cũng na ná nhau..., làm mất đi giá trị vốn có của di tích lịch sử - văn hóa. Đồng thời, rà soát những di tích lịch sử - văn hóa được quản lý tốt nhưng ít người biết đến nhằm tăng cường đầu tư, quảng bá.
Để phục vụ tốt cho công tác bảo tồn cũng như phục vụ khách đến tham quan, yếu tố con người cũng hết sức quan trọng. Khách tham quan đến với di tích lịch sử - văn hóa, thái độ của người phục vụ là ấn tượng đầu tiên. Cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa bên cạnh sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Thực hiện thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường để đỗ ôtô có thu phí theo giờ là cần thiết để đường phố ngăn nắp, trật tự Ảnh: Hoàng Triều
Gìn giữ đường thông, hè thoáng
Sở Giao thông Vận tải vừa đề xuất TP HCM mở rộng phạm vi thực hiện thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường để đỗ ôtô có thu phí theo giờ. Đây là việc cần làm và nguồn kinh phí thu được cũng không nhỏ.
Tuy nhiên, cần phải xem xét cẩn trọng vì ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và quan trọng nhất có phù hợp với tình hình giao thông thực tế, bảo đảm trật tự an toàn giao thông hay không... Đối với địa bàn quận 1 - trung tâm hành chính của thành phố, điều này càng được quan tâm hơn nữa bởi địa bàn có nhiều tuyến đường có lòng đường hẹp, mật độ lưu thông cao...
Sở Giao thông Vận tải cần rà soát lại các tuyến đường cho phép đỗ ôtô thu phí. Mức phí phải phù hợp với tình hình thực tế từng quận, từng tuyến đường và từng thời gian cụ thể.
Đối với lòng đường, vỉa hè, tiến tới chấm dứt sử dụng làm bãi giữ xe. Ngoài việc phải chỉnh trang, tu bổ thì việc không sử dụng vỉa hè làm bãi giữ xe sẽ tạo thuận lợi cho khách bộ hành. Việc chấm dứt lấn chiếm vỉa hè còn tạo ra mỹ quan đô thị, ấn tượng cho khách từ nơi khác đến với thành phố.
Nếu UBND các quận, huyện sử dụng vỉa hè vào mục đích khác thì phải được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, tránh bị trục lợi và không để ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mỹ quan đô thị... Bên cạnh đó, từng địa phương cần xử lý triệt để việc các hàng quán biến vỉa hè thành nơi trông xe cho khách có thu phí.
Đối với xe máy, tùy theo tình hình thực tế, thành phố cần xây dựng nhiều bãi đậu xe ngầm, bãi đậu xe cao tầng trên khắp địa bàn. Để sử dụng đất phục vụ giao thông tĩnh, thành phố cũng như quận, huyện không để địa phương tự ý thay đổi quy hoạch không gian đô thị, làm biến đổi mục đích từ các khu đô thị mới. Với các khu đô thị mới hình thành, nâng cao ý thức từ môi trường giáo dục là hết sức cần thiết.
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Nhận bài dự thi đến ngày 28-7-2022.
Bình luận (0)