Vì sao nhiều cặp vợ chồng ngại sinh thêm con? Không khó để có câu trả lời.
Có một thực tế hiện nay để sinh đủ 2 con, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con, nhất là ở các thành phố lớn như TP HCM, là một áp lực không nhỏ trong cuộc sống.
Chưa có một thống kê chính thức nào về các loại chi phí để chăm sóc và nuôi dạy con từ lúc còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi chào đời và trải qua việc học hành nhưng chắc chắn đó là con số hoàn toàn không nhỏ và không rẻ chút nào, nhất là các khoản chi phí cho việc ăn uống, học hành qua mỗi cấp học của con.
Chưa kể trong quá trình nuôi dạy, không may con ốm đau, bệnh tật thì ngoài tiền bạc còn là thời gian, công sức của cha mẹ, người thân trong gia đình khi phải nghỉ làm để chăm sóc. Vì vậy, nhiều cặp vợ chồng ngại sinh thêm con cũng là điều dễ hiểu.
Đó là chưa kể hiện nay đời sống, việc làm còn nhiều áp lực, khó khăn, tình trạng thiếu hụt việc làm, mất việc thường xuyên biến động; thu nhập của nhiều ngành, nhiều nghề đang có chiều hướng giảm sút; cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình còn thiếu trước hụt sau….
Vừa qua, Sở Y tế đã có đề xuất ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho những cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con. Đề xuất này là cần thiết nhưng cũng cần có thêm nhiều chính sách khác mang tính nhân văn, thiết thực như miễn giảm hoàn toàn các loại chi phí thăm khám sức khỏe định kỳ, thăm khám thai kỳ theo chỉ định, hỗ trợ hoặc miễn giảm hoàn toàn chi phí nằm viện khi sinh con thứ hai. Tăng mức hưởng trợ cấp chế độ thai sản cho cả vợ chồng, đặc biệt trợ cấp thêm một khoản tiền nhất định đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.
Cần nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật lao động hiện hành như giảm giờ làm trong ngày với lao động nữ đang mang thai từ tháng thứ 3 trở đi so với quy định hiện nay. Có thể kéo dài thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ sinh con lên 8 tháng. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chi trả tiền lương đầy đủ cho lao động nam và nữ trong thời gian nghỉ việc đi khám thai định kỳ hoặc ở nhà chăm sóc con trẻ bị ốm.
Ngoài ra, đối với cơ quan, tổ chức nhà nước, cần xem xét miễn học phí đến cấp bậc trung học cơ sở, miễn phí bữa ăn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục bán trú như một số ý kiến đề xuất cũng là việc cần làm, cần nghiên cứu và tiến tới thực hiện để giảm bớt chi phí, đặc biệt là đối với công nhân, người lao động. Nên miễn giảm hoàn toàn chi phí điều trị bệnh cho trẻ khi nằm viện, thay vào đó quỹ BHYT phải chi trả khi quỹ bảo đảm có kết dư cũng là việc cần nghiên cứu và hướng đến vì một chính sách nhân đạo, nhân văn...
Một khi các chính sách về an sinh xã hội, chính sách pháp luật đầy đủ và hoàn thiện, thể hiện được tính chất nhân văn, sự quan tâm của nhà nước cũng như của các tổ chức xã hội, của thành phố đối với người lao động, bà mẹ và trẻ em và một khi đời sống về vật chất và tinh thần được nâng cao hơn, lúc đó sẽ khuyến khích được các cặp vợ chồng trẻ sinh con, khắc phục nỗi lo già hóa dân số, thiếu hụt lực lượng lao động.
Bình luận (0)