Chiều mùng 10 Tết, tôi xách ba lô, gói ghém ít quà, ra Bến xe miền Đông mua vé về quê. Ngồi trên xe, nhìn xa xăm hai bên đường, tự hỏi mình "sao ngược đời quá đỗi, để tận mùng 10 Tết mới về quê".
Có cớ sự vậy là vì quê tôi ở tỉnh Gia Lai, nơi từ trước Tết đã xuất hiện những ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo kết quả lấy mẫu và xét nghiệm, các mẫu cộng đồng tại huyện Krông Pa, nơi tôi ở, đều âm tính. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn khuyên tôi nên ở lại TP HCM.
Tôi nghe mà lòng buồn rười rượi. Vậy là nỗi buồn đã kéo dài thêm. Trước đó, tôi đã phải nhận được "hung tin" rằng: "Dịch hoành hành nên công ty khó khăn. Nhân viên hãy thông cảm. Qua Tết công ty sẽ chi trả tiền lương, thưởng".
Trên chuyến xe về quê ngày mùng 10 Tết, tôi tự an ủi "không sao, năm nay mình ăn Tết muộn"
Lúc đón nhận tin này, tôi đã bình tĩnh chấp nhận thực tế. Tuy nhiên, nghe tin Covid - 19 đã xuất hiện ở tỉnh nhà, tôi càng buồn hơn. Vì, với tôi, Tết là dịp đoàn viên, sum họp. Tết, là phải về nhà. Dù cuộc sống có khó khăn cơ cực đến mấy thì Tết cũng nên về nhà với cha mẹ, với mấy đứa em.
Hai tin chẳng mấy vui vẻ ập đến liên tiếp, để rồi những tờ lịch 2021, những phong bao lì xì mới tinh, một vài món quà đã tranh thủ mua sẵn dự định Tết đem về…, tôi đành cất lại nơi góc phòng trọ.
Những đêm cận Tết, tôi gọi điện thoại cho cha mẹ mà lòng buồn hiu hắt. Suốt cuộc gọi, tôi chỉ ậm ừ vài câu. Cha mẹ tôi hiểu rằng những ngày Tết sắp đến đã vắng bóng thằng con trai lớn.
Và rồi những ngày sau đó, tôi "cắm mặt cắm đầu" vào công việc. Tôi tự dặn lòng "phải cố lên, phải ráng làm để khi Covid - 19 dần được kiểm soát thì qua Tết về nhà thăm gia đình"...
"Sấp mặt" với công việc của người công nhân làm trong xưởng may mặc, tôi bất giác hoài niệm về những cái Tết trước, khoảnh khắc giao thừa là cả nhà sum họp ăn uống chuyện trò, mọi người thắp nhang cho ông cố, bà cố ở một nơi xa lắm, rồi lì xì mừng tuổi cho nhau… Tự nhiên tôi thấy tủi thân và chạnh lòng vô cùng.
Cái tủi thân và chạnh lòng ấy, nếu như chẳng trải qua, chẳng phải là người trong cuộc thì có lẽ chẳng thể nào thấu hiểu hết được.
Xưởng may mặc ngày Tết vẫn hoạt động, người làm là những đứa con xa quê không thể về vì nhiều lý do
Nhưng nghĩ có được gì đâu, gặm nhấm nỗi buồn cũng chẳng thể thay đổi thực tế. Thôi thì lao vô công việc để có thể quên "Tết đã đến rồi" và "đừng nghĩ nữa, lo làm đi, mấy ngày nữa sẽ có tiền để về".
Cứ thế mà cũng "lết được qua cái Tết". Một cái Tết khác lạ nhất trong cuộc đời. Một cái Tết ngóng trông tin tức dịch bệnh hoành hành ở quê nhà. Một cái Tết chỉ biết tất bật vào công việc của một người lao động tay chân. Và hơn hết, đó là một cái Tết xa nhà, không được bên cạnh những người thương yêu nhất. Một cái Tết chỉ biết ăn những bữa cơm vội ngay trong xưởng làm, nói chuyện với những người bạn, cũng đón Tết xa quê giống như tôi.
Đến tối mùng 4 Tết, cha gọi điện báo sau 4 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới, Gia Lai dỡ bỏ phong tỏa nhiều nơi. Cha bảo, theo dõi thêm tình hình vài ngày, nếu ổn thì con về nhà thăm gia đình ăn Tết muộn.
Tôi nghe điện thoại mà mừng rơn. Tôi chạy tìm quản đốc để xin về quê. Cái gật đầu của người phụ trách làm tôi vỡ òa sung sướng... Và rồi, hôm nay, mùng 10, tôi bắt xe về nhà.
Những bữa cơm vội ngày Tết ở xưởng may mặc
Giờ đây, khi gõ những dòng này ngay trên chuyến xe khách TP HCM về Gia Lai, chỉ dăm ba người cùng tôi. Chẳng biết có ai cũng giống tình cảnh như mình.
Sau phút giây tự hỏi mình "sao ngược đời quá đỗi mùng 10 Tết mới về quê ăn Tết", thì cũng tự an ủi rằng sáng mai thôi, tôi sẽ có mặt ở nhà, được quây quần bên cha mẹ và mấy đứa em. Đem ít quà, với ít bánh kẹo tôi sẽ cúng lên bàn thờ ông cố, bà cố và khấn "cháu đã về đây".
Rồi những tờ lịch 2021 sẽ được treo trong nhà. Những phong bao lì xì đã được để sẵn ít tiền đêm qua sẽ được mừng tuổi mọi người.
Và, dẫu cho mai đã qua mùng, nhưng có sao đâu. Năm nay, tôi ăn Tết muộn!
Nhằm làm phong phú thêm nội dung, tạo sự tương tác cao hơn với bạn đọc, Báo Người Lao Động tổ chức 2 cuộc thi trên Báo Người Lao Động điện tử (NLĐO) dịp Tết Tân Sửu 2021.
Cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động" nhận tác phẩm từ ngày 1-2 (20 tháng chạp) đến 21-2 (mùng 10 tháng giêng).
Bạn đọc có thể xem thể lệ, giải thưởng về 2 cuộc thi này tại đây.
Lưu ý: do tin bài dự thi của bạn đọc có đính kèm video hoặc hình ảnh có dung lượng khá lớn, nên cần phải giảm dung lượng hình ảnh xuống để gửi hoặc bạn đọc có thể tải lên Google Drive hoặc OneDirve rồi gửi mail chúng tôi link download video, hình ảnh dung lượng lớn đó. Nếu gặp trục trặc trong việc gửi tin bài dự thi xin vui lòng liên hệ qua email: xuanonline@nld.com.vn
Bình luận (0)