Để đi lên 3 bản miền núi vùng cao giáp ranh biên giới Lào là Lòm, Dộ Tà Vơng, Cha Ráp của xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nhằm thực hiện chương trình: "Đông ấm áp – Tết yêu thương", do Cơ quan đại diện Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng Phật học Việt Nam tại miền Trung - Tây Nguyên... và các mạnh thường quân tài trợ, chúng tôi có mặt tại TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) ngay khi phố phường đã bừng sắc xuân Tân Sửu 2021.
Đợi đoàn xe của sư cô Bi Nguyện từ tỉnh Quảng Nam ra nên chúng tôi rời TP Đồng Hới sớm để đến thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa.
Đường lên các bản vùng cao thuộc biên giới Việt - Lào
Khi đến thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, xe rẽ vào Trường Mầm Non Đồng Lê. Ở đó đã có đoàn xe bán tải và 1 xe tải chở đầy ắp hàng đang đợi. Giây phút ngỡ ngàng, xa lạ vụt tan biến, để lại sự gần gũi thân thương trong lòng chúng tôi. Tiếng hỏi thăm, tiếng cười giòn tan vang lên, đưa lại sự ấm áp yêu thương như không khí vui xuân của một gia đình phấn khởi đón người nhà đi xa trở về. Tiếng miền Trung, miền Nam hòa quyện làm không khí càng ấm áp, đầm ấm, yêu thương.
Đoàn xe theo Quốc lộ 12 A để lên xã Trọng Hóa sau khi đi qua các địa danh là di tích lịch sử cấp quốc gia như: Ngã Ba Khe Ve, Cầu La Trọng, Cầu Bãi Dinh, Cổng Trời, Cha Lo. Đây là những địa danh trong chiến tranh là túi hứng hàng trăm ngàn tấn bom. Đến cầu Cát Định của xã Trọng Hóa, chúng tôi đón ông Hồ Văn Khăm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trọng Hóa, cùng người dân bản Dộ Tà Vơng. 9 giờ 20 phút thì đoàn phải dừng lại bên kia cầu Cát Định, nơi này là một dốc cao, có chiếc xe tải chở sắt cho một công trình thủy điện đang bị trượt bánh, chắn cả lối đi.
Không chịu khuất phục, các bạn thanh niên từ trên những ôtô nhảy xuống, hăm hở leo dốc thị sát. Khi thấy phía bên trái đường bê tông còn một lối đường đất rộng vừa bằng khung xe bán tải, các bạn cho xe theo đó để qua bắng cách dùng đá chèn từng bánh xe. Cứ vậy, bánh xe quay tít, đất bùn bắn tung toé. Mỗi lần xe qua được "cửa ải" là tiếng reo mừng vang lên, vọng vào vách núi, làm không khí thêm náo nhiệt. Sau gần 1 giờ vật lộn với "cửa ải" này, 10 chiếc xe bán tải đã vượt qua. Tiếng vỗ tay, reo hò vang vọng cả một khoảng không rộng lớn ở miền núi thâm u.
Đoàn xe chở hàng tìm cách tiến lên
Đoàn chúng tôi đến bản Lòm thì đã 14 giờ 15 phút. Dù rất mệt nhưng chúng tôi khẩn trương leo lên các dốc đồi đến từng căn hộ. Có căn chỉ rộng khoảng 6 m2, xung quanh thưng ván, không có cửa, bên trong bề bộn áo quần viện trợ và bếp lửa than hồng. Khói đen bám vào tất cả đồ dùng trong căn hộ. Có nhà lợp bằng lá cọ đã mục, xuống màu đen ngòm, xung quanh chỉ dùng lá tranh che tạm và có tấm vải che cửa chính ra vào.
Thiếu tá Hoàng Văn Quả, Bộ đội Biên phòng Đồn Ra Mai, cho biết: "Đây là những hộ gia đình công dân lấy nhau chưa đủ tuổi kết hôn. Các cháu yêu nhau, có thai và ba, mẹ cho ở riêng. Đối tượng này không thuộc diện được ưu tiên thực hiện dự án theo quy định". Đó là các chủ hộ: Hồ Canh, Hồ Xuân, Hồ Khàn.
Thiếu tá Hoàng Văn Quả tâm sự: "Hằng năm, dự án thực hiện vài nhà theo hình thức cuốn chiếu anh ạ, nên trước mắt người dân bản phải sống nhà tạm vậy". Ông Hồ Văn Khăm nói: "Cái có ý nghĩa bây giờ nhất đối với bản Lòm là kinh phí để họ có điều kiện làm nhà. Cùng với đó là các đoàn từ thiện ủng hộ áo quần và nhu yếu phẩm cho dân".
Một căn nhà của bà con dân bản ở xã Trọng Hóa
Dù nghèo khổ vậy nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là khi đoàn phát hàng quà thì tất cả dân bản và trẻ con đứng xếp hàng rất trật tự, chờ ông trưởng thôn gọi đến tên mình mới vào nhận.
Ở bản Cha Ráp, trước khi phát hàng, đoàn phát mũ vải cho các cháu. Những ánh mắt thân thương, những nụ cười tươi và tiếng dân tộc như một bản nhạc cất lên, làm không khí thêm vui vẻ. Nhìn hàng trăm cháu đầu tóc ngã màu vàng hoe, nước da ngăm đen sạm nắng, đội trên đầu chiếc mũ vải mới tinh, với những đôi mắt long lanh, trong sáng khiến lòng chúng tôi vui lây.
Phát xong hàng cứu trợ tại bản Cha Ráp thì đã hơn 17 giờ, đoàn chúng tôi tạm biệt bà con dân bản để về lại đồng bằng. Xe rỗng không còn hàng nên nhảy tâng tâng, lắc lư mạnh, làm một số chị em nôn thốc, nôn tháo. Tuy thấm mệt nhưng khi nhớ lại cảnh phát hàng cho dân 3 bản, với 228 suất quà, chúng tôi càng thương dân bản hơn và bỗng vui sướng khi nghĩ đến bà con dân tộc Mày, dân tộc Khùa có thêm niềm vui xuân khi đón Tết Nguyên đán Tân Sửu này.
Bà con dân bản nhận quà
Nhằm làm phong phú thêm nội dung, tạo sự tương tác cao hơn với bạn đọc, Báo Người Lao Động tổ chức 2 cuộc thi trên Báo Người Lao Động điện tử (NLĐO) dịp Tết Tân Sửu 2021.
Cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động "bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày 1-2 (20 tháng chạp) đến 21-2 (mùng 10 tháng giêng).
Bạn đọc có thể xem thể lệ, giải thưởng về 2 cuộc thi này tại đây.
Lưu ý: do tin bài dự thi của bạn đọc có đính kèm video hoặc hình ảnh có dung lượng khá lớn, nên cần phải giảm dung lượng hình ảnh xuống để gửi hoặc bạn đọc có thể tải lên Google Drive hoặc OneDirve rồi gửi mail chúng tôi link download video, hình ảnh dung lượng lớn đó. Nếu gặp trục trặc trong việc gửi tin bài dự thi xin vui lòng liên hệ qua email: xuanonline@nld.com.vn
Bình luận (0)