Do đặc thù công việc, phóng viên có nhiều dịp gặp trực tiếp, nghe điện thoại, nhận tin nhắn từ bạn đọc. Từ nguồn tin bạn đọc cung cấp, rất nhiều đề tài đã được triển khai. Tuy nhiên, nguồn tin này cũng mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho phóng viên.
Niềm vui bất ngờ
"Anh ơi! Cơ quan chức năng đã thừa nhận sai và giải quyết hồ sơ cho em rồi…" - một bạn đọc làm giấy tờ nhà bị "hành" phấn khởi gọi cho tôi.
Trước đó, bạn đọc này đã đến báo trình bày về việc gần 2 năm đi làm giấy tờ nhà nhưng không được. Cơ quan chức năng lúc thì yêu cầu bổ sung giấy tờ này, lúc yêu cầu bổ sung giấy tờ kia. Mỗi lần như thế, bạn đọc này đều thực hiện. Đến lúc không còn gì để làm khó thì họ bảo sếp đi vắng… và tiếp tục ngâm hồ sơ. Sau khi tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ, phóng viên đã làm việc với cơ quan chức năng.Đơn vị này thừa nhận không đúng và cam kết xử lý sớm.
Một hôm vào cơ quan, tôi thấy một chị cầm trên tay bịch chôm chôm đứng đợi. Chưa kịp chào hỏi, chị đã lên tiếng: "Hôm trước, em có đến nhờ một việc. Vụ việc đã được giải quyết xong, nay em mang ít trái cây cảm ơn các anh chị"… Thật lòng, tôi không nhớ đã giúp chị việc gì bởi mỗi ngày có hàng chục người đến nhờ.
Đôi lúc chạnh lòng
Làm nghề, vui nhất là lúc những bức xúc của bạn được giải quyết. Tuy nhiên, cũng không phải vấn đề nào của bạn đọc cũng được chuyển tải đến cơ quan chức năng hay giải quyết thành công. Những lúc như thế, lòng tôi lại chạnh buồn.
Câu chuyện buồn nhất của tôi trong nghề báo đến lúc này là khi được phân công trực bạn đọc. Một ngày nọ, điện thoại đường dây nóng reo lên, phóng viên nhấc máy chưa kịp alo thì đầu dây bên kia đã lên tiếng: "Tôi là N.T.P, nhà ở quận 1, TP HCM, đề nghị Báo Người Lao Động khởi tố ông N.V.G ra tòa hình sự quốc tế vì đã cướp nhà tôi…". Bà P. cứ thế trình bày, không để phóng viên hỏi thêm bất cứ điều gì. Cuộc điện thoại kết thúc sau 15 phút.
Những ngày sau đó, bà P. đều đặn gọi hơn chục cuộc điện thoại và gửi rất nhiều đơn thư đến báo. Phóng viên thầm nghĩ chắc là bà oan khuất nên rất chăm chú lắng nghe, đọc tài liệu. Tuy nhiên, do vụ việc kéo dài hàng chục năm, người bị khiếu nại đã không còn giữ chức vụ, có người đã mất nên phóng viên chọn phương án chuyển đơn đến cơ quan chức năng. Sau đó, các cơ quan chức năng gửi phản hồi là vụ việc đã được giải quyết vì không phát sinh tình tiết mới. Không chỉ riêng phóng viên mà nhiều anh chị khác trực tiếp bạn đọc cũng gặp trường hợp này và họ cũng áy náy khi không giúp được bà P.
Một lần khác, khi tôi đang ngồi trực tiếp bạn đọc, một thanh niên buồn bã đến trình bày là bị công ty lừa, đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết nên tìm đến báo. Sau một lúc nghe tư vấn, anh này đã bình tĩnh trở lại. Tiếp đó, phóng viên mang bức xúc của anh đến làm việc với công ty bị tố cáo.
Sau hơn 2 tháng, công ty nơi anh thanh niên làm việc thừa nhận sai và đồng ý bồi thường. Nhưng không lâu sau, công ty quay lại đề nghị cải chính vì người lao động không có phản ánh (!?). Tìm hiểu kỹ, tôi mới biết anh thanh niên nhận tiền bồi thường xong đã quay lại hợp tác với công ty để... khiếu nại phóng viên!
Bình luận (0)