Bạn đọc Nguyễn Ngọc Diễm:
Không ai có quyền đứng trên pháp luật
Tình trạng tự do ngôn luận quá đà khi thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng xã hội đang gây nên những hệ lụy tiêu cực cho xã hội, ảnh hưởng đến môi trường mạng. Đó chính là một phần nguyên nhân dẫn tới hiện tượng nói tục, chửi bậy, nhục mạ, bôi nhọ nhau ngày càng phổ biến trên không gian mạng. Đặc biệt, hiện tượng thách đố nhau tìm ra thông tin, xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông để đánh cắp dữ liệu, xúc phạm danh dự cũng ngày càng lộng hành.
Nhiều người cho rằng quyền công dân, quyền được nói được thể hiện rõ nhất khi người dùng sử dụng ứng dụng livestream. Điều này chỉ đúng nếu người livestream tuân thủ các quy định pháp luật.
Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ của mình với các vấn đề xã hội. Pháp luật Việt Nam cũng không cấm việc sử dụng mạng xã hội như Facebook, YouTube, sử dụng các tính năng phát trực tiếp trên trang mạng xã hội để bày tỏ quan điểm, thái độ.
Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận không phải là muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. Nếu hành vi đi quá giới hạn, lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì tùy vào mức độ hành vi và hậu quả hành vi, người vi phạm sẽ bị xử lý, như xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị người liên quan kiện ra tòa.
Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý. Pháp luật Việt Nam đã có rất nhiều quy định để quản lý môi trường mạng, nhằm giới hạn hành vi của các chủ thể để bảo vệ quyền lợi của các chủ thể khác. Trong đó, phải kể đến Luật An ninh mạng và các văn bản về quản lý hoạt động bưu chính viễn thông, tần số, vô tuyến điện. Đã đến lúc cần áp dụng các chế tài nghiêm khắc để chặn đứng tình trạng coi mạng xã hội như chỗ không người, thản nhiên chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý chặt chẽ và tốt hơn nữa môi trường mạng.
Bên cạnh đó, dùng công nghệ nhận thông báo khẩn từ người xem về những livestream độc hại để yêu cầu nhà cung cấp chặn. Xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh để có thể cấm hoặc xử phạt các nhà cung cấp liên tục vi phạm quy định của Việt Nam.
Cần nâng cao việc tuyên truyền để người dân ý thức hơn trong việc sử dụng mạng xã hội, ăn nói văn minh, có chuẩn mực. Việc "quét dọn" không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là của mỗi cá nhân. Người dùng mạng xã hội văn minh là cùng nhau dọn dẹp livestream "bẩn"; dùng công nghệ và mạng xã hội để lan tỏa những điều hay, ý đẹp, những hành động nhân văn. Có như vậy, chúng ta mới có được môi trường, không gian mạng xã hội lành mạnh, văn minh, đúng pháp luật.
Hãy chọn lọc, kiểm chứng thông tin trước khi xem và chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Hoàng TriềuBạn đọc Đỗ Ngô Trần:
Cơ quan chức năng cần chủ động xử lý vi phạm
Mạng xã hội ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống nhiều người, nhất là khi nhu cầu kết nối và chia sẻ trong cộng đồng ngày càng gia tăng. Thế nhưng, mạng xã hội cũng tồn tại quá nhiều biểu hiện đáng lo, diễn biến ngày càng phức tạp, tác hại không nhỏ đến đời sống xã hội và ai cũng có thể trở thành nạn nhân của nó.
Thực tế, ứng xử trên mạng xã hội không phải là "ảo" mà thông qua từng thông tin được chia sẻ còn là câu chuyện văn hóa, đạo đức và cả tuân thủ pháp luật. Không ai được phép chửi bới, bôi nhọ, xúc phạm người khác hoặc tung tin sai sự thật, tin thiếu kiểm chứng... Mọi chuyện đúng - sai tồn tại trong đời sống đã có các chuẩn mực đạo đức cũng như quy định pháp luật điều chỉnh, không tới lượt ai đó phải "ra tay" theo kiểu "thay trời hành đạo". Vậy nên, mỗi người phải tự ý thức và có trách nhiệm với thông tin mình đăng tải, chia sẻ, đừng "ngây thơ" biến mình thành công cụ hoặc bị người khác lợi dụng; để rồi khi nhận ra chân tướng thì bản thân cũng bị tổn thương, thậm chí "thương tích" đầy mình.
Cảm xúc con người lắm khi chỉ là nhất thời, nếu không suy nghĩ kỹ trước khi chuyển tải thông tin, không chỉ dẫn đến rắc rối cho mình mà còn gây tổn thương người khác. Hãy bình tĩnh chọn lọc, kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, điều đó thể hiện sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm cá nhân.
Về phía cơ quan thực thi pháp luật, không thiếu các quy định pháp luật về quyền tự do thông tin công dân và trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội. Quy định đã có nhưng thực thi chưa nghiêm nên chưa mang lại hiệu quả. Rất nhiều vi phạm pháp luật trên không gian mạng xã hội nhưng có bao nhiêu trường hợp đã bị xử lý, mức độ chế tài liệu có đủ sức răn đe? Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trên không gian mạng, không chờ nạn nhân lên tiếng hay gửi đơn kiến nghị, cần chủ động xác minh và tùy mức độ vi phạm mà phạt nặng hoặc mạnh dạn khởi tố ngay.
Ngoài ra, cần có biện pháp chế tài đúng mức các trang mạng có nội dung vi phạm, kích động bạo lực, trái với văn hóa truyền thống; các nhà cung cấp dịch vụ để xảy ra vi phạm.
Bình luận (0)