xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm gì để hạn chế xe cá nhân?

THÀNH ĐỒNG - GIA MINH

Cần một cơ quan quản lý thống nhất việc tổ chức hoạt động và quản lý hành khách công cộng, bảo đảm điều phối hài hòa toàn hệ thống, tích hợp nhiều phương thức vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng

Bàn tiếp về việc hạn chế xe máy ra khỏi hệ thống giao thông đô thị và lộ trình thực hiện, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết đang phối hợp với các đơn vị có chức năng xây dựng đề án cụ thể để trình UBND TP, từ đó đưa ra lộ trình cũng như cách thực hiện tối ưu nhất. Mục đích là làm sao vừa giải quyết được bài toán giao thông cho TP nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại, làm ăn của người dân.

Tập trung phát triển xe buýt

Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2017, sở sẽ tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp nhằm phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trên cả đường bộ và đường thủy, trong đó chủ yếu là hệ thống xe buýt. Những giải pháp này nhằm thu hút người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (GTCC), từ đó từng bước hạn chế thay đổi dần thói quen sử dụng xe cá nhân.

Theo Sở GTVT, tình hình ùn tắc giao thông tại TP HCM thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Dù TP đã tập trung nhiều giải pháp đầu tư cho hệ thống xe buýt nhưng do ùn tắc giao thông khiến lộ trình của các tuyến xe buýt và thời gian hành trình không được bảo đảm, dẫn đến nhiều người sẽ lựa chọn phương tiện cá nhân để di chuyển thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của dịch vụ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng (như của Uber và Grab…) cũng dẫn tới nhiều doanh nghiệp, người dân đầu tư xe để tham gia càng khiến lượng phương tiện cá nhân tăng vọt, khó kiểm soát và ùn tắc giao thông càng trở nên trầm trọng.

Trong lộ trình hạn chế xe cá nhân, theo Sở GTVT, trước mắt cần tập trung nhiều giải pháp để tăng cường hệ thống GTCC, trong đó dồn vào việc phát triển mạng lưới xe buýt. Một trong những giải pháp này là sẽ cho thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng ở khu trung tâm để tạo điều kiện cho người dân không phải đi bộ khi di chuyển đến các trạm xe buýt, hạn chế sử dụng xe cá nhân để đi lại trong quãng đường ngắn, từ đó thay đổi dần thói quen của người dân trong việc sử dụng xe cá nhân để lưu thông với cự ly gần. Hiện Sở GTVT đang làm việc với đơn vị tư vấn về cách quản lý xe đạp công cộng, giá vé, địa điểm…

Song song với phương án trên, sẽ thực hiện thí điểm một số tuyến đường có làn đường riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt hoạt động (dự kiến tổ chức trên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu). Ngoài ra, một số giải pháp phát triển hệ thống xe buýt khác cũng được thực hiện đồng bộ như nghiên cứu sử dụng loại xe buýt nhỏ, kết nối giữa mạng lưới xe buýt thông thường với xe buýt nhanh (BRT) và metro…

Cũng theo Sở GTVT, trong giai đoạn 2018-2020, sở sẽ tiếp tục thực hiện 6 nhóm giải pháp phát triển hệ thống GTCC và 1 nhóm giải pháp để hạn chế xe cá nhân. Cụ thể: xây dựng kế hoạch và triển khai một số khu đi bộ ở trung tâm TP; ban hành cơ chế quản lý niên hạn sử dụng, khí thải đối với xe máy; nghiên cứu thu phí đỗ xe đối với ô tô theo hướng mức phí tăng dần từ ngoại thành vào khu trung tâm, cấm xe cá nhân lưu thông vào một số trục đường chính hoặc các tuyến đường nhất định vào giờ cao điểm…

Ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra ở TP HCM nhưng cấm xe máy không phải là giải pháp khả thi trong thời điểm này Ảnh: Hoàng Triều
Ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra ở TP HCM nhưng cấm xe máy không phải là giải pháp khả thi trong thời điểm này Ảnh: Hoàng Triều

Tích hợp nhiều phương thức vận tải

Trong khi đó, theo TS Hoàng Thị Kim Chi (Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM), để hạn chế phương tiện cá nhân, phải có một hệ thống GTCC đủ mạnh, có thể quyết định các chính sách một cách kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển VTHKCC có hệ thống, đồng bộ và mang tính liên hoàn giữa các phương thức vận chuyển khác nhau.

Do đó, cần có một cơ quan quản lý thống nhất việc tổ chức hoạt động và quản lý hành khách công cộng ở TP, bảo đảm điều phối hài hòa toàn hệ thống, tích hợp nhiều phương thức vận tải khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng và hiệu quả trong quản lý, vận hành. Các đơn vị VTHKCC phải được tổ chức lại, giảm bớt đầu mối, trong đó có một số đầu mối lớn có chức năng vận hành khai thác cả đường sắt đô thị, xe buýt và các phương thức VTHKCC khác.

Còn theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, việc cấm xe gắn máy để giải quyết bài toán kẹt xe là một hướng đi đúng nhưng phải có lộ trình, hạn chế và cấm từng khu vực chứ không nên cấm đại trà. Bởi hiện nay, phần lớn người dân đang sử dụng xe máy là chủ yếu, nó phù hợp với cơ sở hạ tầng và thói quen đi lại cũng như sự linh hoạt trong kinh doanh, buôn bán.

Đồng tình với việc hạn chế xe máy nhưng kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP HCM) cho rằng cần có chính sách rõ ràng, minh bạch, có lý có tình để người dân có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó GTCC phải có bước bứt phá và bền vững để người dân khi bỏ xe máy đã được hỗ trợ đắc lực bằng một hệ thống GTCC khối lượng lớn, đủ đáp ứng nhu cầu đi lại. Ngoài ra, cần nâng cao hơn nữa trợ giá cho người dân khi sử dụng các phương tiện công cộng, thậm chí không thu phí trong thời gian đầu.

Phải nghĩ đến số đông

Theo kết quả thăm dò ý kiến bạn đọc của Báo Người Lao Động về việc có nên cấm xe máy lưu thông trong TP hay không, đa số đều chọn “không nên” (63%), nhất là trong thời gian này. Theo nhiều bạn đọc, trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa phát triển, hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được, đặc biệt mức thu nhập của người dân chưa cao thì việc cấm xe máy sẽ là điều không thể thực hiện được.

“Gần như 70%-80% người dân Việt Nam sử dụng xe máy và đối với một số đông người, đó là tài sản lớn, cấm xe máy thì tài sản đó phải làm sao? Chưa kể xe máy còn là “cần câu cơm” của nhiều gia đình. Chính sách gì đề ra cũng phải nghĩ đến số đông, tính hiệu quả cũng như phải có lộ trình thực hiện. Đừng vì quản không được thì cấm hay thấy các nước khác làm thì bắt chước, không tìm hiểu, xem xét kỹ tình hình thực tế ở địa phương” - bạn đọc Ngô Xuân Lộc nêu ý kiến.

Có bạn đọc cho rằng việc thay thế xe máy bằng phương tiện GTCC là cần thiết nhưng phải làm đúng quy trình. “Thay vì bàn luận cách hạn chế xe máy, hãy tìm giải pháp để cải thiện hạ tầng giao thông, phát triển GTCC, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, quy định thời hạn sử dụng của xe máy và lộ trình thu hồi những xe hết hạn sử dụng, hạn chế số lượng xe máy nhập khẩu, quy hoạch tốt xây dựng… Lúc đó hãy tính đến chuyện cấm xe máy. Đừng làm ngược quy trình” - bạn đọc Ngọc Minh đề xuất.

V.Thư

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo