Trong quá trình đi tìm hiểu về nhà văn hóa (NVH) phường, chúng tôi ghi nhận hiếm hoi lắm mới có được một vài NVH hoạt động tốt, thu hút đủ các độ tuổi tham gia.
Điểm sáng
Đó là NVH phường 10, quận 10 (TP HCM) nằm trong con hẻm trên đường Lê Hồng Phong. Nơi đây thu hút đông đảo người dân đến tham gia bởi có nhiều lớp năng khiếu như cờ vua, cờ tướng, võ thuật, hội họa, nhạc cụ, múa hiện đại, khiêu vũ thể thao, khiêu vũ dưỡng sinh, Anh văn thiếu nhi… NVH còn có 1 phòng đọc với hàng ngàn đầu sách các loại phục vụ miễn phí.
Bà Thái Thị Đa Đa, cán bộ phụ trách NVH phường 10, cho biết sau khi được thành lập vào năm 2001, hoạt động ở các khu phố đều dồn về NVH sinh hoạt. "Do mặt bằng khiêm tốn, chúng tôi chỉ tổ chức được 2 bàn bóng bàn nhưng mọi người sẵn sàng chờ đợi đến lượt chơi. Sau này có thêm nhảy hiện đại, võ thuật, Anh văn, vi tính, dưỡng sinh... Đến nay, NVH có 15 lớp chiêu sinh thường xuyên. Hai tháng hè, NVH cũng có 5 lớp miễn phí cho các thiếu nhi trên địa bàn phường" - bà Đa kể.
Theo ông Nguyễn Anh Điệp, Chủ tịch UBND phường 10, các lớp chiêu sinh đều dựa trên sự hợp tác giữa NVH với giáo viên. Phường có mặt bằng, giáo viên có kinh nghiệm, kỹ năng. Khi làm hợp đồng, phường sẽ đề nghị giảm học phí cho người dân có hộ khẩu của phường 10 và phục vụ các hoạt động văn hóa của phường. Những học viên tại NVH là lực lượng nòng cốt trong các cuộc thi văn nghệ của quận và các sự kiện của phường. Nguồn thu từ NVH dùng để trả lương cho bảo vệ, nhân viên tạp vụ, điện, nước và tái đầu tư. Dù vậy, NVH vẫn phải đóng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp 10%.
Nhà Văn hóa phường 10, quận 10 thu hút đông đảo người dân tham gia
Không nhất thiết mỗi phường 1 nhà văn hóa
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP, cho biết các NVH phường đã góp phần cổ vũ, động viên người dân xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giáo dục truyền thống, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Tuy nhiên, hoạt động các NVH này vẫn còn nhiều khó khăn do không có kinh phí, phụ thuộc vào cấp ủy và chính quyền địa phương, nhân sự đa số kiêm nhiệm, mức phụ cấp cho hoạt động này thấp, khó tuyển người có chuyên môn. Ngoài ra, các NVH phường được xây dựng theo kiểu nhà phố, không phù hợp để tổ chức các hoạt động của một trung tâm văn hóa - thể thao (VHTT).
"Cần phải quan tâm đúng mức về nhân sự, cơ chế, kinh phí hoạt động và đa dạng hóa các loại hình hoạt động mới có thể vực dậy các trung tâm VHTT phường. Không nhất thiết phải xây dựng mỗi phường một NVH bởi các thiết chế văn hóa ở TP đã khá dày đặc. Nên xây dựng và hình thành các trung tâm VHTT khu vực hoặc liên phường để tập trung nguồn lực đầu tư cũng như giải quyết bài toán khó khăn về quỹ đất" - ông Nam nói.
Còn theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, cùng một quận nhưng có NVH phường hoạt động tốt, có nơi chưa tốt. Nhiều quận đã xây dựng NVH liên phường (quận 12, Bình Tân...) do trung tâm VHTT quận quản lý, bố trí nguồn nhân lực có chuyên môn về tổ chức các hoạt động cho NVH, phục vụ các hoạt động chính trị, phong trào của địa phương.
"Ban Văn hóa - Xã hội đang khảo sát các thiết chế văn hóa cơ sở để chuẩn bị cho phiên giải trình trước Thường trực HĐND vào cuối tháng 9. Chúng tôi sẽ đánh giá thực trạng các thiết chế văn hóa ở TP, nhu cầu người dân, NVH đã đáp ứng được các nhu cầu đó hay chưa, nếu đầu tư các thiết chế văn hóa mới sẽ xây dựng theo mô hình nào cho hiệu quả...?" - bà Nhung thông tin.
Thông tư 14/2016 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định trung tâm VHTT phường phải có diện tích từ 300 m2 trở lên, đó là lý do nhiều quận, nhất là quận trung tâm, không có quỹ đất đáp ứng được tiêu chí.
Bình luận (0)