Sau những thách thức bủa vây do tác động của đại dịch, ngành du lịch Việt Nam đang từng bước khắc phục khó khăn. Việc "thổi lửa" cho ngành du lịch ở TP HCM lúc này có ý nghĩa rất quan trọng.
Những khó khăn
Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.200 tỉ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỉ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.
Lượng doanh nghiệp (DN) xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành trên 30% tổng số DN đã được cấp phép, chỉ còn khoảng 2.000 DN có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó nhiều DN đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động.
Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch (chiếm 46% cơ cấu doanh thu của ngành) đang phải đóng cửa và hầu như không có khách.
Ngành giao thông vận tải, trong đó, vận tải hàng không chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Các dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt… cũng chịu tác động tiêu cực khi hoạt động thương mại và du lịch sụt giảm.
Tất cả những thiệt hại của ngành du lịch khó đo đếm được và chắc chắn vượt hơn nhiều con số 7 tỉ USD như dự báo của Tổng cục Du lịch.
TP HCM kích hoạt du lịch trở lại sau giai đoạn giãn cáchẢnh: Lam Giang
Nắm bắt xu hướng, có giải pháp phù hợp
Đại dịch Covid-19 khiến một số thứ mất đi nhưng cũng đem đến những điều mới. Một trong số đó chính là những xu hướng du lịch đặc biệt, như: du lịch không chạm; du lịch tại chỗ "Staycation"; du lịch y tế và sức khỏe; du lịch đến những vùng ít người biết.
TP HCM phải nhìn nhận và tái định vị ngành du lịch theo những xu hướng đó. Yếu tố an toàn là điều đầu tiên cần chú trọng. Tiếp đó, là thị trường du lịch nội địa đầy tiềm năng. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và có tính quyết định khi sự rủi ro của dịch bệnh ngày càng tăng cao. Cuối cùng là việc đầu tư nâng cấp sản phẩm, chú trọng nhiều hơn đến trải nghiệm, thiên nhiên, cảnh đẹp.
Để làm được những điều trên, cần có những kịch bản phục hồi du lịch cụ thể, góp phần tái định vị ngành kinh tế xanh. Công bố công khai kế hoạch mở cửa bằng tiếng Việt và tiếng Anh và các thông tin phải được cập nhật thường xuyên hằng tuần hoặc vào thời điểm có diễn biến phức tạp của dịch.
Cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân đi từ vùng xanh đến vùng xanh và sử dụng thẻ xanh Covid-19. Với du lịch quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm đến xanh và có khả năng khống chế dịch sớm được mở cửa; lập danh sách các thị trường du lịch an toàn và công bố hằng tuần.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, sớm áp dụng thẻ xanh theo lộ trình để người dân có thể tham dự các sự kiện ngoài trời hoặc trong nhà trong nội vùng; đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng, đi công tác, du lịch trong nước và nước ngoài (theo thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước).
Để hoạt động du lịch của TP HCM được phục hồi hiệu quả, thích ứng với trạng thái bình thường mới, ngành du lịch cần xây dựng mô hình phát triển bền vững, linh hoạt hơn, đặc biệt đối với các DN. Theo đó, DN du lịch cần có cơ chế chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả, giữa các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế nhằm kiểm soát, hạn chế tác động ảnh hưởng và quản trị khủng hoảng hiệu quả hơn.
Ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội du lịch cần chung sức đồng lòng xây dựng các chiến dịch kích cầu. Trong đó, TP HCM phải có cơ chế hỗ trợ DN ngành du lịch để có điều kiện hoạt động tốt nhất, sản phẩm du lịch được quảng bá rộng rãi với giá thành phù hợp, ví dụ như giảm phí các điểm tham quan, trợ giá cho du khách…
Cơ hội phát triển du lịch văn hóa
TP HCM cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các ngành dịch vụ phát triển. Bước đầu, đẩy mạnh phát triển hoạt động ăn uống, lưu trú và giải trí gắn với phát triển du lịch nội địa. Song song đó, phục hồi lại các đường bay quốc tế, định vị và xây dựng lại những sản phẩm du lịch phù hợp với tình hình mới (du lịch thông minh, du lịch xanh, du lịch thiên nhiên,…); kích cầu hỗ trợ các DN lữ hành, nhà hàng, khách sạn,…
Thông qua đại dịch, một giá trị mới của các làng quê, thiên nhiên được bộc lộ. Đây là cơ hội, xu hướng phát triển du lịch văn hóa, làng nghề. Điều đó cũng là gợi ý cho những quy hoạch và kiến trúc phù hợp hơn trong tương lai, nhằm thích ứng với các xu hướng du lịch sống chậm, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, trở về với thiên nhiên, trải nghiệm homestay.
ThS NGUYỄN HIẾU TÍN (Trường Đại học Tôn Đức Thắng)
Bình luận (0)