Bạn đọc Mai Trang: Mạng lưới đường sắt và vòng tròn đô thị khép kín
Metro là xu thế tất yếu của các siêu đô thị trên thế giới. Để xây dựng được một tuyến metro, kinh phí rất cao đòi hỏi phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận.
Cách làm metro của các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, chỉ dựa vào vốn vay, kỹ thuật từ nước ngoài trong một vài tuyến đầu; các tuyến tiếp theo hoàn toàn do trong nước đảm nhận. Việc làm chủ công nghệ sẽ kéo giảm chi phí rất nhiều mà hiệu quả đạt được tối đa.
TP HCM cũng có thể chuyển đổi từ hình thức đầu tư ODA sang mô hình đối tác công - tư (PPP) bởi có nhiều ngân hàng và tập đoàn lớn trên thế giới mong muốn xây dựng metro ở TP HCM bằng hình thức PPP. Hoặc xã hội hóa, thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng, phát triển và khai thác đường sắt đô thị.
TP HCM cần một mạng lưới đường sắt và vòng tròn đô thị khép kín như nhiều thành phố lớn trên thế giới để giải quyết được những vấn đề như ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm môi trường, phát triển du lịch.
Giai đoạn đầu, TP HCM phát triển đường sắt đô thị (rail network), giai đoạn tiếp theo hình thành vòng tròn đô thị (city loop), sau đó kết hợp cả hai thành một thể hoàn chỉnh.
Song song đó, TP HCM xây dựng mạng phân nhánh kiểu gân lá tỏa đi các hướng Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Tiền Giang.
Hệ thống metro sẽ thay đổi diện mạo đô thị; mạng lưới đường sắt đô thị là mấu chốt để thay đổi thói quen sử dụng phương tiện công cộng thay cho phương tiện cá nhân; mạng phân nhánh đi các tỉnh sẽ giúp các thành phố vệ tinh kết hợp với TP HCM tạo thành hệ sinh thái mở thu hút đầu tư, biến cả khu vực thành trung tâm tài chính kinh tế - xã hội không chỉ trong nước, mà còn tầm khu vực và thế giới.
Đường ray (đoạn đi trên cao) của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn đi qua TP Thủ Đức (Ảnh: Hoàng Triều)
Bạn đọc Lê Nữ Ngọc Cương: Xây dựng thói quen đi xe đạp
Câu khẩu hiệu "Bike Street: Cars are guests - Đường xe đạp: ô tô chỉ là khách" có lẽ không mấy xa lạ với những ai từng đi du lịch châu Âu, nhất là các nước như Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Thụy Điển…, số người dân chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển chính chiếm tỉ lệ khá cao.
TP HCM có mật độ dân cư lớn nhất nước, việc khuyến khích đi bộ và "xe đạp hóa" chính là xu thế xanh, sạch, đẹp bền vững.
Giải pháp trước mắt và lâu dài để nâng tỉ lệ người dân đi bộ, đạp xe không khó thực hiện. Trước hết, quy hoạch, cải thiện cơ sở hạ tầng đi xe đạp đồng bộ với mạng lưới rộng lớn các tuyến đường, làn đường cho xe đạp trên khắp các quận, huyện.
Các tuyến đường này đủ rộng, được đánh dấu bằng các ký hiệu riêng. Song song đó, xây dựng cơ sở dữ liệu các tuyến đường đi bộ, đi xe đạp để người dân kiểm tra tuyến đường, khoảng cách; sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, đi kèm sổ tay du lịch có thông tin các tuyến đường đi bộ, xe đạp.
Một điểm quan trọng là nhà vệ sinh công cộng cho người đi bộ, các bãi đỗ xe đạp cần hiện diện ở các trung tâm thương mại, nhà hàng, công viên, ga xe lửa, văn phòng…, có chế tài phạt nặng cho những lỗi cố ý và có tính phá hoại.
TP HCM nên chia lịch ô tô được di chuyển vào nội ô thành phố, các bãi đỗ xe phải đánh cước phí cao với ô tô và ưu tiên cho xe điện, xe đạp. Đặc biệt, phải có sự kết hợp với các phương tiện di chuyển công cộng khác như metro, tàu điện ngầm và xe buýt.
Cuối cùng, thành phố cần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng cũng như kiến thức pháp luật về giao thông cho người đi bộ, đi xe đạp.
Bạn đọc Nguyễn Văn Công: Nên có nhiều tuyến phố đi bộ, các con phố đặc trưng
Các thành phố phát triển trên thế giới đều có hệ thống giao thông công cộng (GTCC) hiện đại và giữ vai trò chủ lực, chiếm thị phần trên 60% lượng vận tải hành khách. Trong khi đó, tại TP HCM, GTCC hiện chỉ chiếm khoảng 9%-10%.
Hiện tại, để khuyến khích người dân đi xe buýt, cần lắp camera trên xe buýt, có bảng quy định ứng xử trên xe buýt và chế tài xử phạt nghiêm.
Bên cạnh đó, các công sở, doanh nghiệp nên hỗ trợ vé tháng cho nhân viên đi xe buýt, đưa việc đi xe buýt thành một tiêu chí đánh giá thi đua. Giáo dục lớp trẻ đi xe buýt là văn minh chứ không phải dành cho người thu nhập thấp…
Ứng dụng Busmap của xe buýt TP HCM hoạt động kém hiệu quả, cần có giải pháp nâng cấp; tăng cường xe buýt mini kết nối; luôn có sẵn tiền lẻ... Nên mạnh dạn miễn phí một số tuyến, xây dựng trạm xe buýt sạch sẽ, an toàn. Ngoài ra, tập trung phát triển hệ thống taxi đường thủy.
Đẩy mạnh hơn nữa việc thu phí môi trường đối với phương tiện cơ giới, phát triển đi bộ, xe đạp, xe điện... thay thế xe cơ giới. Nên có nhiều tuyến phố đi bộ, phố sách, không gian công cộng để giúp người dân hình thành thói quen đi bộ, không ngại tiếp cận xe buýt, tăng sức mua, thúc đẩy nền kinh tế.
TP HCM có nhiều con đường với hàng cây rợp bóng mát như đường Lê Duẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Huyền Trân Công Chúa, Trương Định, Đồng Khởi… giúp điều hòa không khí, giảm ô nhiễm môi trường, tạo không gian xanh, sạch, ấn tượng. Đây chính là "báu vật", phải bảo vệ tuyệt đối. Bên cạnh đó, hình thành các con phố đặc trưng với các loài hoa, loài cây, biểu tượng.
Ví dụ những con đường chỉ trồng hoa phượng vĩ, hoa muồng hoàng yến, hoa huỳnh liên, cây me, cây sấu... Các cung đường hoa kèm với vỉa hè đi bộ rộng rãi, an toàn sẽ "kéo" người dân đi bộ nhiều hơn, quảng bá hình ảnh, qua đó phát triển du lịch. Để làm việc này, thành phố cần khởi xướng, quy hoạch và lên kế hoạch rõ ràng, bài bản.
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)