Tạo hóa đã ban cho TP HCM con sông Sài Gòn uốn lượn quanh co và tạo ra nhiều bán đảo 3 mặt giáp sông trải dài từ Bắc xuống Nam với An Phú Đông, Hiệp Bình Phước, Thanh Đa, Thảo Điền, Tân Cảng cũ, Thủ Thiêm, Tân Thuận, Thạnh Mỹ Lợi... Ngoài ra, còn nhiều khu đất ở ven sông, nếu quy hoạch tốt thì viễn cảnh "Kỳ tích sông Sài Gòn" sẽ là hình ảnh nâng tầm cao cho thành phố.
Tổ chức lại không gian sông Sài Gòn
Sông Sài Gòn đoạn qua địa phận TP HCM dài khoảng 70 km, có đặc điểm độc đáo như hình một con rồng lớn đang uốn lượn, len lỏi trong lòng đô thị đi qua nhiều quận, huyện; đoạn được cho là đẹp nhất đi qua địa bàn các quận 1, 2, 4, Bình Thạnh, TP Thủ Đức.
Gần đây, trong quá trình phát triển kinh tế, những cảng Ba Son, Sài Gòn, Tân Cảng được di dời, để lại những khu đất rộng lớn ven sông ở các vị trí rất đẹp, cùng với nhiều khu đất trống khác lân cận và dải đất dài rất thuận lợi cho việc mở rộng không gian, làm đẹp cảnh quan và tạo ra những phân khu chức năng phục vụ cộng đồng, văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch của thành phố.
Tuy nhiên, những năm gần đây, bờ sông Sài Gòn ở khu vực trung tâm lại "mọc" lên nhiều nhà cao tầng, bến Bạch Đằng là vị trí trung tâm của con sông huyết mạch thành phố dù được chỉnh trang nhiều lần vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Sắp đến đây, khu vực này sẽ xuất hiện tuyến đường và nhà ga metro, cùng với công trường Mê Linh là trung tâm, tại đây phải là một khung cảnh không gian mới, cần chỉnh trang nơi này một cách tổng thể về hệ thống lối đi, sân bãi, chiếu sáng, hệ thống tưới nước di động… Đây là một "tiểu trung tâm" ven sông, góp phần tạo mỹ quan mới cho thành phố.
Xa hơn, thành phố cần hướng đến tổng thể mặt bằng trong khu vực để có phương án thiết thực lâu dài và hiệu quả hơn.
Đó là tổ chức lại không gian sông Sài Gòn; thực hiện công tác lập quy hoạch, kết hợp vận dụng đặc trưng sông Sài Gòn để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, cuộc sống cư dân địa phương. Đồng thời kết hợp góp phần giải quyết những trở ngại về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường.
Cần quy hoạch ven sông Sài Gòn để nâng tầm TP HCM (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Đầu tư các dự án phục vụ cộng đồng
Có thể nhận thấy không gian hai bên sông Sài Gòn rất thích hợp làm dự án mở rộng cảnh quan đô thị, kết nối khu vực trung tâm và các nơi lân cận. Thuận lợi hơn nhờ có sẵn nhiều địa điểm lý tưởng để kết nối với các khu vực trung tâm phục vụ khai thác du lịch, phát triển văn hóa.
Sông Sài Gòn không chỉ có cảnh quan đẹp, nước chảy êm thuận, chiều sâu và bề rộng rất lý tưởng cho tàu thuyền di chuyển mà còn mang dấu ấn lịch sử được kết nối với hàng loạt di tích và địa điểm văn hóa như: chùa, nhà thờ, khu đô thị Thủ Thiêm, quảng trường Mê Linh, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bến Nhà Rồng...
Thành phố cần tăng cường đầu tư các dự án phục vụ cộng đồng và khai thác dịch vụ hai bên bờ sông, chẳng hạn xây dựng các công trình như đài phun nước, bảo tàng, khu ẩm thực, khu vui chơi trẻ em, nhà văn hóa, triển lãm ngoài trời, biểu diễn nhạc nước, sinh hoạt lễ hội...
Ngoài ra, các không gian ngầm dưới kè bờ sông có thể tận dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, vui chơi giải trí sôi động phục vụ du khách đến thăm thành phố.
Không gian bờ sông phải được ưu tiên dành cho cộng đồng với các không gian công cộng nối tiếp nhau trong bán kính đi bộ và xe đạp để có giải pháp thiết kế phù hợp. Đồng thời, tối đa hóa khả năng tiếp cận trên bến dưới thuyền. Mọi người có thể "tương tác" với nước theo nhiều cách, từ bơi lội, câu cá đến dã ngoại.
Việc xây dựng các tuyến đường đi bộ, đi dạo ven sông cần được quy hoạch để có sự kết nối hài hòa giữa các công trình; đồng thời tạo sự liền mạch không gian bờ sông với các khu vực phía trong, vào các khu phố, ngăn ngừa ngập lụt và kết hợp với việc cải thiện môi trường.
Đất ven sông trong thành phố đều có giá trị rất cao nhưng nếu chỉ vì giá trị mà ưu tiên cho các chủ đầu tư xây biệt thự với hàng rào kín cửa cao tầng thì đó chỉ là "không gian chết", không biểu hiện được sức sống của một thành phố trẻ đầy năng động.
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng,
1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)