Nền kinh tế giữ vai trò tiên quyết, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tăng trưởng kinh tế chính là chỉ số quan trọng thể hiện sự thịnh vượng và phát triển, là thước đo đầu tàu của TP HCM.
Những vấn đề môi trường cấp bách
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở TP HCM bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng với nhiều điểm nóng.
Chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm, đặc biệt là ở các khu vực tập trung nhiều hoạt động phát triển. Đa dạng sinh học và chất lượng mảng không gian xanh bị thu hẹp. Khô hạn và xâm nhập mặn gia tăng theo từng năm.
Những vấn đề môi trường cấp bách này đã trở thành nguy cơ lớn cản trở mục tiêu phát triển bền vững của thành phố.
Chính vì vậy, người dân đánh giá rất cao quan điểm phát triển TP HCM của lãnh đạo thành phố - "phát triển kinh tế TP HCM sẽ luôn gắn với môi trường, dứt khoát không đánh đổi môi trường. TP HCM luôn là thành phố vì cả nước, luôn khát vọng là đầu tàu kinh tế của cả nước với những đề án riêng đã có".
Trên thế giới hiện nay, kinh tế tuần hoàn được coi là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Đây là mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Thực tế, có rất nhiều hình thức phát triển kinh tế tuần hoàn nhưng với trình độ phát triển hiện nay và vấn đề bức xúc về mặt môi trường cần giải quyết thì thành phố đặt mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trên cơ sở những yếu tố cấu thành của nó và Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có quy định để xây dựng các yếu tố cấu thành của kinh tế tuần hoàn.
Vớt rác trên rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhiều việc cần phải làm
Trước mắt, TP HCM phải quyết liệt trong công tác đầu tư hệ thống quan trắc tự động, chú ý các điểm như trường học, bệnh viện, khu ĐHQG, khu dân cư, trung tâm thương mại, công viên vui chơi - giải trí... Thành phố không thể dựa vào việc đấu thầu thuê đơn vị ngoài làm, đây là vấn đề sống còn đối với người dân. Khi có sự cố môi trường mà không có hệ thống quan trắc tự động sẽ khó xử lý kịp thời.
Các thiết bị quan trắc hiện không đắt, nặng ở chỗ đầu tư hệ thống phân tích dữ liệu, đấu nối. Nếu quá tải, thành phố có thể giao về cho các quận, huyện làm, thành phố chỉ cần đấu nối dữ liệu về trung tâm xử lý, từ đó có những thông tin cho người dân được biết.
Đối với hệ thống thu gom rác, trong những năm qua có tiến triển, tuy nhiên hiện vẫn chưa quản lý được lực lượng thu gom rác dân lập.
Đặc thù TP HCM là nhà dân, cơ sở sản xuất xen cài, do đó việc thu gom, phân loại rác gặp khó khăn. Sự xen lẫn giữa hoạt động sinh hoạt thường ngày với hoạt động sản xuất - kinh doanh khiến nguy cơ ô nhiễm, cháy nổ và xử lý sự cố trở nên phức tạp, tốn kém, gây ra nhiều hệ lụy.
Nếu thành phố đã phân cấp về quận - huyện thì giờ nên phân cấp về phường - xã, phải quản lý được các đường dây rác dân lập. Phường - xã ký hợp đồng nguyên tắc với họ về phạm vi thu gom, loại rác thu gom để khi phát sinh những loại rác không thu gom được, họ sẽ báo về, tránh việc thu gom lẫn lộn gây khó khăn cho phân loại, xử lý.
Về việc xử lý rác, phải nâng tầm hơn vai trò các công ty công ích, không khoán trắng cho tư nhân bởi các đơn vị công ích thì thành phố có thể điều phối được, còn tư nhân thì khó. Đối với hạ tầng xử lý rác, TP HCM có cơ chế đặc thù do đó có thể điều chỉnh phát sinh theo tình hình thành phố.
Về hệ thống kênh rạch, 2 năm qua, thành phố đã có sự phân cấp chống ngập và cải tạo kênh rạch rất thành công, những điểm sáng đó là động lực cho toàn dân và các ban - ngành phấn đấu để hoàn thành sớm hơn mục tiêu xanh hóa, sạch - đẹp kênh rạch.
Thời gian tới, thành phố cần có thêm nhiều đề án nạo vét các kênh rạch đã lấp, khi khôi phục thì làm cống chìm, cống hộp để mặt bằng bên trên vẫn sử dụng được.
Cũng phải nhắc thêm rằng trước đây tỉ lệ kênh rạch chiếm khoảng 12% diện tích tổng thể nhưng nay chỉ có 3%-4% là rất đáng ngại. Tại nhiều quận - huyện ngoại thành, tình trạng san lấp kênh rạch vẫn còn nhiều, phải quản lý chặt việc này để tránh phá vỡ kết cấu môi trường chung. Các dự án cải tạo kênh rạch trước khi thực hiện phải có báo cáo đánh giá tổng thể chứ chỉ báo cáo giám sát không thôi thì chưa đủ.
Áp dụng số hóa
Vấn đề rác thải, nên chăng áp dụng khoa học kỹ thuật số hóa. Trong đó, người dân, đơn vị thu gom rác - chất thải và cơ quan quản lý nhà nước (UBND quận, phường...) có thể truy cập nhanh chóng và đơn giản qua website hoặc trên ứng dụng điện thoại di động.
Mỗi khách hàng có mã định danh riêng. Việc áp dụng mô hình quản lý và thu tiền rác góp phần mang lại hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động thu gom rác trên địa bàn quận, đặc biệt trong công tác thu phí, thuế, thu nộp về ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)