Bắt đầu từ CLB Sân khấu thể nghiệm (hay còn gọi là Sân khấu 5B Võ Văn Tần), thuộc Hội Sân khấu TP HCM, rồi được nâng cấp thành Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, Sân khấu 5B được xem là chiếc nôi của mô hình xã hội hóa sân khấu, để từ đó nhân rộng hiệu quả, gặt hái rất nhiều thành công.
"Hà hơi tiếp sức" phải đúng chỗ, đúng nghĩa
Từ Sân khấu 5B, đã có thêm Sân khấu IDECAF, Kịch Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn, Sài Gòn phẳng - Nhà hát Thế Giới Trẻ (Trường Ðại học Sân khấu - Ðiện ảnh TP HCM), Hồng Hạc, Hồng Vân - Chợ Lớn, Trịnh Kim Chi... Khán giả được thưởng thức kịch dài lẫn hài kịch vui nhộn. Về lượng, gấp 10 lần vở diễn được đầu tư, mỗi năm có hơn 50 vở diễn. Nếu tính tổng mức đầu tư kinh phí vào dàn dựng, chắc chắn nhà nước không thể kham nổi.
Thế nhưng hiện nay, hàng chục đoàn nghệ thuật tư nhân với các loại hình kịch nói đã tan rã, phải đóng cửa nghỉ diễn vì không có doanh thu để tồn tại. Mức đầu tư ngày càng tăng khi phải thuê điểm diễn giá cao. Ðây là vòng luẩn quẩn khiến sân khấu TP HCM đang tồn tại những bất ổn, đáng buồn. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nguyên nhân khiến sân khấu kịch tụt dốc về mặt số lượng chính là nguyên nhân chủ quan khi sân khấu thiếu vắng những vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật. Quá nhiều vở sa vào giải trí đơn thuần, chọc cười rẻ tiền… dẫn đến sân khấu xã hội hóa lâm cảnh bế tắc như hiện nay.
Xã hội hóa sân khấu kịch cần một lộ trình đúng đắn. Trong ảnh: Cảnh trong vở “Diều ơi” của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM Ảnh: THANH HIỆP
Vậy để cứu lấy sự sa đà này, TP HCM cần "hà hơi tiếp sức" ra sao? Theo tôi, TP cần sớm có giải pháp về cơ chế, chính sách giúp sân khấu xã hội hóa khu vực tư nhân tồn tại, phát triển. Tạo ra mối quan hệ bình đẳng giữa đơn vị nghệ thuật tư nhân với nhà nước. Ðó là, cần tiếp nhận đề án dàn dựng vở diễn hằng năm để có sự hỗ trợ kinh phí theo từng dự án. Nhà nước có lợi khi đặt hàng sân khấu tư nhân làm những vở diễn mang tính định hướng. Bởi, sân khấu tư nhân nắm trong tay nguồn nhân lực, họ có nhiều ngôi sao là thương hiệu lâu nay, trong khi đơn vị công lập không làm được điều này, vẫn nhận ngân sách hằng năm đều đặn, vở kịch được dựng chỉ diễn vài suất, không bán được vé, cho vé mời cũng chẳng có đông người xem.
Cần lộ trình đúng đắn
Nếu tạo điều kiện thuận lợi để nghệ thuật sân khấu theo mô hình xã hội hóa phát triển, tính chuyên nghiệp trong dàn dựng, biểu diễn sẽ được nâng cao hơn. Tuy nhiên, quá trình này cần một lộ trình đúng đắn, tránh tạo thêm cái vòng luẩn quẩn khi chưa xác định được một hướng đi cụ thể.
Nói như thế để nhìn rõ vai trò lãnh đạo của Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM rất quan trọng. Nếu được chỉ đạo thực hiện theo một cách bài bản, theo một lộ trình trước mắt cũng như lâu dài, xã hội hóa không thể đơn giản chỉ là việc nhập - tách hay giải thể bớt các đơn vị nghệ thuật công lập - như gần đây có người kiến nghị nhập Nhà hát Kịch TP HCM và Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (chuyên diễn xiếc - rối) vào một - hoặc đưa một số nghệ sĩ ra khỏi biên chế nhà nước để cho họ tự lo liệu bằng cách tổ chức thành từng nhóm rồi góp tiền dựng vở, sau đó đi diễn để lấy tiền chia nhau.
Làm như vậy, sân khấu TP HCM không còn giữ tính sáng tạo nghệ thuật chủ đạo mang tính định hướng thẩm mỹ, giáo dục nữa mà chỉ còn là hoạt động kiếm sống của nghệ sĩ. Đã gọi là kiếm sống thì vở diễn chạy theo thị hiếu dễ bán vé như một thời rộ lên kịch đồng tính, bạo lực, kinh dị... khiến khán giả ngán đến rạp.
Tôi xin nhắc lại lời cố đạo diễn - NSND Nguyễn Ðình Nghi đã từng nói: Đừng để tư nhân hóa sân khấu biến sàn diễn trở lại thời các gánh hát trước, mạnh ai nấy làm mà vô tình "nghiệp dư hóa" nền sân khấu chuyên nghiệp.
TP HCM đã từng tổ chức Liên hoan Sân khấu mùa thu vinh danh những nghệ sĩ, đạo diễn, ông bà bầu xã hội hóa sân khấu, để khán giả cùng với ban giám khảo đánh giá tác phẩm nào xứng tầm đoạt giải thưởng. Nên hiểu xã hội hóa hoạt động sân khấu không phải là ai có tiền hay yêu thích đều có thể trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, đạo diễn chuyên nghiệp. Mặc dù quyền được sáng tạo nghệ thuật là của tất cả mọi công dân nhưng đó phải là nghệ sĩ công dân có tài năng thực thụ. TP HCM phải đặt chất lượng nghệ thuật làm tiêu chí hàng đầu. Do vậy, sân khấu tư nhân cần có sự định hướng kịp thời, không để mất đi khi nội lực vẫn còn hùng hậu.
Trao giải cuộc thi vào quý I/2020
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" do Báo Người Lao Ðộng tổ chức sẽ có 1 giải nhất (50 triệu đồng), 1 giải nhì (30 triệu đồng) và 2 giải ba (10 triệu đồng/giải) được công bố và trao vào quý I/2020.
Những hiến kế đoạt giải (có thể là góp ý, ý tưởng, sáng kiến, mô hình, giải pháp) phải đáp ứng các tiêu chí: Có nội dung và đúng chủ đề; có giải pháp cụ thể, thiết thực, gần gũi với đời sống; mới, sáng tạo, độc đáo; có khả năng triển khai ứng dụng vào thực tiễn... Qua đó, phục vụ tốt cho người dân và góp phần vào việc xây dựng TP HCM văn minh, hiện đại và phát triển.
Các tác phẩm tham dự cuộc thi được tính từ ngày 24-9 (ngày phát động) đến hết 31-12-2019. Các tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (vui lòng để lại thông tin liên hệ, số điện thoại).
Bình luận (0)