TP HCM đang là địa phương tiên phong trong việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có nội dung thu hút và huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia.
Những kết quả bước đầu
Từ rất sớm, vấn đề thu hút đội ngũ trí thức, chuyên gia đã được Trung ương và TP HCM quan tâm thực hiện.
Nghị định 87/2014/NĐ-CP "Quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH-CN tại Việt Nam", Thông tư 24/TT-BLĐTBXH "Quy định chi tiết thi hành khoản 6 điều 14 Nghị định 87/2014/NĐ-CP"; gần đây là Kết luận 52-KL/TW "Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Quyết định 142/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 52-KL/TW... đã cho thấy điều đó.
TP HCM cũng đã ban hành Nghị quyết 20/2018/NQ-HĐND "Về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018 - 2022"; Quyết định 17/2019/QĐ-UBND "Ban hành quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP HCM có nhu cầu trong giai đoạn 2019 - 2022".
Bên cạnh đó, TP HCM đã đầu tư xây dựng Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và 13 đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng hoạt động KH-CN, tạo điều kiện hoạt động nghiên cứu, phát triển và sáng tạo cho đội ngũ trí thức, KH-CN.
TP HCM cần hỗ trợ hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh/trung tâm xuất sắc tại các trường đại học Ảnh: TẤN THẠNH
TP HCM cũng đã triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; Đề án 01-ĐA/TU về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của thành phố giai đoạn 2020-2035; các chương trình hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như bán dẫn, phân tích kiểm nghiệm, quản trị tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo...
TP HCM còn thực hiện thí điểm các chính sách hỗ trợ thu nhập theo Nghị quyết 20/2018/NQ-HĐND để thu hút chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho sự phát triển của thành phố; triển khai chương trình Vườn ươm sáng tạo KH-CN trẻ nhằm tạo điều kiện cho nhà khoa học trẻ, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học...
Ngoài ra, TP HCM luôn duy trì tổ chức nhiều giải thưởng tôn vinh hoạt động đóng góp cho sự phát triển của thành phố, như: Giải thưởng Sáng tạo, Giải thưởng Sáng chế; Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp...
Những chính sách, hoạt động nêu trên đã góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong những năm qua. Tuy nhiên, kết quả đạt được nhìn chung vẫn còn khiêm tốn.
Một số vấn đề cần thực hiện
Nghị quyết 98/2023/QH15 đã có hiệu lực, trong đó có một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KH-CN và đổi mới sáng tạo, góp phần tạo điều kiện thu hút đội ngũ trí thức, KH-CN làm việc, cống hiến.
Trong thời gian tới, TP HCM cần tiếp tục thực hiện các chính sách đã phát huy hiệu quả, đồng thời sắp xếp lại các tổ chức KH-CN công lập; xây dựng và phát triển Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo TP HCM - đóng vai trò kết nối trường, viện và doanh nghiệp trong việc thực hiện hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu hoàn thiện mô hình Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM - đóng vai trò kết nối trường, viện, chuyên gia, nhà khoa học để hợp tác nghiên cứu chính sách phát triển thành phố; hình thành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - với định hướng phát triển mạng lưới các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của thành phố.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại cho các tổ chức KH-CN công lập. Việc đầu tư cho con người cần được quan tâm thông qua các chính sách đãi ngộ mạnh mẽ hơn.
TP HCM cần hỗ trợ hình thành mạng lưới trung tâm chuyển giao công nghệ, vườn ươm sáng tạo trong các trường đại học; đầu tư phòng thí nghiệm tại các trường đại học theo mô hình liên kết với Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo thành phố.
TP HCM cũng cần triển khai kế hoạch hỗ trợ hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh/trung tâm xuất sắc tại trường đại học, tổ chức KH-CN thông qua chương trình/dự án KH-CN trung hạn (5-10 năm) theo đặt hàng của thành phố.
Bình luận (0)