TP HCM là khu vực có hoạt động kinh tế năng động nhất nước với mức tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh. Nắm giữ vai trò nòng cốt và là động lực đối với sự tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Việt Nam trong thời gian qua, tạo nên những sự thay đổi và tiến triển có tính đột phá.
Bên cạnh những thành tựu đạt được từ hoạt động kinh tế, vấn đề thu hút nhà đầu tư chiến lược vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ triệt để.
Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng
Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM quy định rõ những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược, đồng thời chỉ rõ điều kiện để nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào TP HCM.
Tuy nhiên, để mời gọi được "đại bàng", cần kiến tạo được các lợi thế đủ sức hấp dẫn. Nói cách khác, cần có những giải pháp hữu hiệu, sát thực tiễn để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Lĩnh vực quyết định và là xương sống cho sự liên kết trong nội đô thành phố chính là hệ thống giao thông. Hoàn thiện những dự án giao thông đang xây dựng dở dang, đặc biệt là giải quyết những nút thắt ở các cửa ngõ vào thành phố.
Các dự án mở rộng đường giao thông nối các tỉnh với TP HCM đã và đang được làm tốt nhưng cửa ngõ thành phố lại quá ùn tắc. Do đó cần giải quyết căn bản tình trạng này, ưu tiên trước hết các điểm, nút giao thông chính bằng cách nâng cấp, hiện đại hóa các tuyến trục và ngoại vi; tiếp tục tăng cường các giải pháp giải tỏa mật độ tập trung quá cao tại trung tâm.
Hệ thống mạng lưới điện, cấp thoát nước... của thành phố được thiết kế cho quy mô dân số của hàng chục năm trước đã quá tải, không còn đáp ứng được nhu cầu khiến môi trường đô thị xuống cấp, cũng phải sớm đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại.
Rà soát quy hoạch hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của thành phố nói chung và nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các khu công nghiệp nói riêng.
Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ của các nhà đầu tư trong bối cảnh hội nhập, sớm đưa công nghệ cao, công nghệ mới vào ứng dụng trong sản xuất. Có chính sách vừa tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch vừa phân bố lại những dự án công nghệ sử dụng nhiều lao động cho các tỉnh đông dân, có trình độ phát triển thấp hơn.
TP HCM là khu vực có hoạt động kinh tế năng động nhất nước. Ảnh: TẤN THẠNH
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao phục vụ cho phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và xã hội; quy hoạch hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu phù hợp với nhu cầu xã hội và nhu cầu phát triển. Chú trọng phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Về phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN), khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nghiên cứu phát triển và ứng dụng KH-CN. Đổi mới cơ chế quản lý, nhất là cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức và hoạt động của tổ chức KH-CN công lập. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu KH-CN quan trọng trong phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Một vấn đề quan trọng nữa là tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lãnh vực bảo vệ môi trường.
Xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp hợp lý, cụ thể giữa các ngành, các cấp nhằm tạo sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động bảo vệ môi trường. Gắn phong trào bảo vệ môi trường với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Qua đó, góp phần huy động sức mạnh của toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.
Thí điểm các mô hình mới
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của TP HCM, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của cả nước, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực, tạo nhiều cơ chế, chính sách và cho phép thí điểm các mô hình mới.
Đặc biệt hoàn thiện và đồng bộ hóa khuôn khổ pháp lý về quản lý và sử dụng vốn ODA, bảo đảm tính minh bạch trên nguyên tắc phân cấp gắn liền với quyền hạn và trách nhiệm; nâng cao nhận thức đúng đắn về vai trò và bản chất của ODA; đào tạo cán bộ xây dựng chính sách ODA...
Hoàn thiện chính sách về đất đai, nhất là chính sách giao đất nông - lâm nghiệp cho các hộ sử dụng lâu dài, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất...
Tập trung rà soát quy hoạch tổng thể KT-XH của thành phố trong bối cảnh chung của cả nước, đặc biệt là quy hoạch đối với phát triển đô thị, khu công nghiệp, hành lang kinh tế, hệ thống sân bay, cảng biển, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của thành phố và cả nước đến năm 2030.
Bình luận (0)