Việc xây dựng thương hiệu TP HCM đang trở thành một nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước. Đây không chỉ là quyền lợi của doanh nghiệp (DN) mà còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý và kỳ vọng của chính quyền thành phố.
Nhu cầu tất yếu để phát triển
TP HCM hiện đóng góp 24% GDP của quốc gia và chiếm 52% số lượng DN cả nước. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Forbes Việt Nam gần đây cho thấy trong số 40 thương hiệu công ty có giá trị của Việt Nam được Forbes bình chọn, những cái tên của TP HCM chiếm tỉ lệ khiêm tốn.
Chỉ khoảng 800 DN có số vốn trên 1.000 tỉ đồng và thương hiệu sản phẩm của các DN hầu như chưa tạo được nhiều dấu ấn đối với người tiêu dùng, trong khi thành phố rất cần những DN đủ năng lực và tiềm lực để nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế của địa phương.
Xây dựng thương hiệu TP HCM là nhu cầu cấp thiết. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Những năm gần đây, TP HCM đã và đang triển khai đa dạng giải pháp để bảo chứng chất lượng sản phẩm, dịch vụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm, hướng đến tạo niềm tin của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ nội địa và nâng cao vị thế trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.
Điển hình là giải thưởng thường niên mang tên "Thương hiệu vàng TP HCM" nhằm hướng đến mục tiêu như là một nhãn chất lượng bảo chứng cho uy tín của DN trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, UBND TP HCM cũng đã ban hành danh mục "Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP HCM giai đoạn 2021-2025". Ngoài ra, chương trình kết nối cung cầu sản phẩm giữa DN TP HCM với DN đầu và cuối, nhà đầu tư nước ngoài... cũng thường xuyên được sở, ngành phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện.
Dẫu vậy, giải thưởng này vẫn mang tính nội bộ, chưa mang tầm vóc quốc tế nên khó có thể là bảo chứng cho sản phẩm khi xuất khẩu.
Thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý
Có thể hiểu thương hiệu TP HCM là tổng hợp những ấn tượng, niềm tin và cảm xúc mà người tiêu dùng, khách du lịch, nhà đầu tư... dành cho vùng đất này, đồng thời có khả năng cạnh tranh với sản phẩm của các nơi khác.
Vì thế, đây là một phạm trù đa diện bao gồm những hình ảnh đặc trưng về hàng hóa, thắng cảnh, con người, văn hóa, ứng xử... có khả năng thúc đẩy người tiêu dùng quyết định lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp từ các DN tại TP HCM.
Nhìn ra thế giới, mỗi quốc gia hay thành phố đều gắn liền với những thương hiệu lớn của các DN và chính những thương hiệu này định vị nên giá trị sản phẩm trên thị trường, góp phần đưa DN vươn tầm khu vực và quốc tế.
TP HCM đã và đang đạt được nhiều thành tựu quan trọng về mặt kinh tế nhưng những hình ảnh về các thành quả đó cũng như tầm nhìn về vị thế đầu tàu của cả nước trong tương lai vẫn chưa được truyền tải nhất quán, liên tục.
Cần xây dựng thương hiệu TP HCM một cách chính thức, tạo ra những hình ảnh mới khác biệt, sâu sắc, đủ sức cạnh tranh.
Việc xây dựng thương hiệu TP HCM không chỉ đơn giản là xây dựng chương trình quảng bá văn hóa hay chiến dịch xúc tiến thương mại ngắn hạn mà phải là một quyết định mang tầm chiến lược song hành với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Khác với các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa thông thường, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để nhận biết cụ thể sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia.
TP HCM hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển thương hiệu chứng nhận gắn liền với chỉ dẫn địa lý theo mô hình đã thành công ở các nước.
Ví dụ như rượu vang Bordeaux (Pháp) có hiệp hội riêng kiểm soát về chất lượng sản phẩm, sản xuất, chế biến và cả thương mại, theo mô hình chỉ dẫn địa lý.
Hay cà phê Colombia theo mô hình thương hiệu tập thể, cũng có một ban kiểm soát chặt chẽ, sẵn sàng bao tiêu và hỗ trợ về mặt thương mại.
Vì lẽ đó, TP HCM cần phải xác định đâu là thế mạnh mang tính khác biệt, độc đáo của mình để tiến tới xây dựng và phát triển thành một thương hiệu tầm cỡ, đủ uy tín và tiềm lực vươn ra thế giới.
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19;
2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc @nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất: 50 triệu đồng; 1 giải nhì: 30 triệu đồng; 1 giải ba: 20 triệu đồng; 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)