Dịch bệnh tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trên toàn thế giới, thông tin trên mạng chính là thứ được lan tỏa nhiều nhất. Nó có thể đem đến cho người ta những cảm giác mà thông thường phải dùng giác quan trực tiếp để có thể cảm nhận.
Lựa chọn linh vật cho thành phố
TP HCM đang phấn đấu trở thành một đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á; đồng thời đang hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính của khu vực. Vì vậy, không thể thiếu những món quà mang tính biểu tượng dành cho các nhà đầu tư và du khách.
Đó là những món quà không chỉ mang tính chất lưu niệm mà còn thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của TP HCM. Nó mang trong mình niềm tự hào của người Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng. Chính vì vậy, nếu như có thể tạo ra được một biểu tượng mang ý nghĩa tinh thần vui vẻ của TP HCM làm quà lưu niệm, quà tặng thì đó cũng chính là nâng tầm hình ảnh của thành phố.
Một quốc gia thành công với cách làm này là Nhật Bản. Đây có thể xem là nơi linh vật địa phương thể hiện được rất nhiều vai trò của mình. Những linh vật ngộ nghĩnh, đáng yêu của các vùng miền của Nhật Bản như Hokkaido, Tohoku, Kanto, Chubu, Kansai…, các thành phố du lịch nổi tiếng như Kyoto, Osaka… đều có hình ảnh, câu chuyện của mình và đó chính là câu chuyện để quảng bá văn hóa của địa phương đó.
Không chỉ phát triển về du lịch, linh vật địa phương cũng chính là cách để chính quyền địa phương đưa thông tin đến người dân một cách thân thiện, gần gũi nhất. Những linh vật này cũng có mặt trên rất nhiều sản phẩm từ bao bì hàng tiêu dùng, thực phẩm cho đến thế giới đồ lưu niệm. Đó là cách nâng tầm hình ảnh của người Nhật và cho đến nay, họ đã đạt được thành công lớn.
Du khách tham quan TP HCM bằng xe buýt 2 tầng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Với TP HCM, chúng ta có thể xem xét chọn ra một linh vật của mình. Tất nhiên sẽ phải có sự cho phép và có lộ trình, hướng đi cụ thể; lấy ý kiến cũng như ý tưởng của người dân; hoặc có thể mở cuộc thi sáng tạo một linh vật cho thành phố. Khi đã chọn được một linh vật, chúng ta sẽ có hình ảnh độc đáo để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.
Trong thời đại công nghệ cao hiện nay, hình ảnh linh vật không chỉ xuất hiện trên những sản phẩm thông thường mà còn chiếm một chỗ trong các sản phẩm công nghệ cao. Ví dụ, có thể làm những quà tặng, đồ lưu niệm công nghệ như USB, chuột máy tính, vòng tay thông minh…
Những quà tặng lưu niệm đó sẽ là một phương thức hiệu quả, sáng tạo lại rất đơn giản, dễ đem đi. Hiện nay trên thị trường chưa có nhiều nơi chuyên làm những món quà công nghệ cao để quảng bá, do vậy đây có thể là một cách làm cần nghiên cứu.
Lưu ý, để một sản phẩm lưu niệm công nghệ cao gắn với linh vật của thành phố có hiệu quả, phải có đầy đủ đặc tính của một món đồ lưu niệm. Đó là phải mang đầy đủ thông điệp truyền thông của thành phố, theo định hướng phát triển của thành phố trong tương lai.
Món quà đó cũng cần được đại diện cho giá trị văn hóa của các cộng đồng dân cư ở TP HCM, của các thế hệ như người lớn tuổi, người trẻ tuổi…
Đầu tư bảo tàng ảo
Một trong những cách làm để tăng hình ảnh, vị thế của TP HCM ra thế giới chính là phổ biến những ứng dụng giới thiệu bảo tàng. Các bảo tàng ở TP HCM chính là các kiến thức sống động nhất cho nền văn hóa thành phố.
Các bảo tàng nổi tiếng như Bảo tàng Mỹ thuật, Phụ nữ Nam Bộ, Chiến dịch Hồ Chí Minh... lưu giữ đầy đủ kiến thức lịch sử, thông tin, hình ảnh, tác phẩm nghệ thuật... về nền văn hóa đặc sắc của TP HCM. Với việc đầu tư phát triển ứng dụng, phần mềm để tương tác từ xa với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế thì chúng ta sẽ có được lợi ích về lâu dài.
Đây là vấn đề cần có sự hy sinh về mặt kinh tế. Vì lợi ích không được quy ra thành tiền ngay mà sẽ thu về những thứ vô giá như hình ảnh, văn hóa... Việc này cũng sẽ giúp thu hút thêm khách du lịch khi kinh tế phục hồi. Bởi du lịch là một ngành kinh tế dựa nhiều vào cảm giác ban đầu. Cảm giác ban đầu ấy có thể đến từ cảm nhận thông quá thực tế ảo. Trưng bày bảo tàng trên ứng dụng công nghệ có thể đưa người ta đến cảm xúc mong muốn được tham qua bảo tàng trong tương lai.
Công nghệ tương tác ảo 3D ở các bảo tàng đã trở nên ngày càng phổ biến và công nghệ này cũng đã có ở Việt Nam. Gần đây, các bảo tàng như Bảo tàng Mỹ thuật, Lịch sử Quốc gia đã đưa công nghệ này vào phục vụ khách tham quan, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá của nhiều người trong tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng.
Tuy công nghệ thực tế ảo không thể chân thực như quan sát trực tiếp nhưng cũng góp phần không nhỏ bảo tồn văn hóa đất nước nói chung và TP HCM nói riêng. Chúng ta cần nâng cấp thêm để công nghệ này dễ sử dụng, dễ tiếp cận đến nhiều đối tượng hơn.
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19;
2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Cuộc thi nhận bài tham dự đến ngày 28-7-2022.
Bình luận (0)