Có thể khẳng định để hướng đến một TP phát triển bền vững, phải hài hòa giữa 4 yếu tố: xã hội, môi trường, kinh tế và văn hóa.
Đô thị 4.0
Trong thế kỷ XXI, các nền kinh tế cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực sẽ di chuyển đến nơi bảo đảm an toàn, sức khỏe và đây là đầu bài để các TP xây dựng tính cạnh tranh trong kỷ nguyên số.
Đô thị 4.0 (Urban 4.0) là đô thị mà ở đó diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhờ vào internet kết nối vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI), sự phát triển của đô thị sẽ được kết nối đầy đủ, thường xuyên, sẽ là đô thị thông minh - xanh, chất lượng sống tốt, công bằng xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến xã hội (society) 5.0, con người trở thành trung tâm (human-centered). "Đó là xã hội hay nền văn minh đã hiện thực hóa việc hợp nhất trí tuệ và vật chất vào trong một hệ thống (hệ thống Cyber Physica1) và cân bằng giữa các tiến bộ về kinh tế với việc giải quyết các vấn đề xã hội, gọi là xã hội con người là trung tâm" (theo GS Kawakami Noburari, Đại học Miyagi - Nhật Bản).
Trong đô thị 4.0, phát triển bền vững không chỉ cần hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường mà còn cả văn hóa hướng đến đô thị nhân văn, có bản sắc, sống động và hấp dẫn. Để làm được như vậy, trước tiên phải tăng trưởng nhanh để hướng tới TP thịnh vượng.
Tuy nhiên, tăng trưởng phải thông qua con đường sáng tạo, tăng trưởng xanh và bền vững bao trùm. Cơ hội vàng cho tăng trưởng nhanh, sáng tạo là tăng trưởng bền vững, là công nghệ 4.0 và cơ cấu dân số vàng.
Đặc biệt, TP HCM nên tập trung phát triển TP xanh dựa trên một số khu đặc thù gắn liền với không gian tự nhiên đặc trưng của TP là sông - nước kết hợp với công viên cây xanh.
Ngoài ra, TP sống tốt căn bản là phải công bằng về không gian. Cần tập trung di dời tái bố trí toàn bộ nhà ở trên kênh rạch, nâng cấp các khu phố có nhiều nhà lụp xụp, xây dựng mới các chung cư xuống cấp, gắn với chương trình chỉnh trang đô thị tạo thêm quỹ đất dành cho giao thông và công trình công cộng.
Để hướng đến một TP phát triển bền vững, phải hài hòa 4 yếu tố: xã hội, môi trường, kinh tế và văn hóa Ảnh: Hoàng Triều
Các thách thức và giải pháp
Giải pháp nào cho TP xanh - sạch -đẹp hướng đến phát triển bền vững? Muốn có TP xanh, TP cần khuyến khích trồng cây hoặc rau xanh trên mái nhà, balcon, hướng đến nông nghiệp đô thị, nông nghiệp theo chiều thẳng đứng. Ở đây cần vai trò vận động của Hội Phụ nữ. Để có TP sạch, không xả rác bừa bãi trên hè phố và sông rạch, cần vai trò của Ủy ban MTTQ và xung kích của thanh niên. Cuối cùng, muốn có TP đẹp, cần vai trò của các nhà quy hoạch và kiến trúc sư thông qua thiết kế đô thị.
TP HCM có khoảng 10 triệu dân, đã trở thành TP cực lớn, siêu TP, vì vậy trong quá trình đô thị hóa nhanh đã phát sinh nhiều vấn đề môi trường. TP cần hoàn thành các chương trình đột phá về giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường…
Giải pháp giảm ùn tắc giao thông là phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD) gắn với hình thái phát triển đô thị. Ngoài ra, để tăng diện tích cho giao thông còn cần triển khai đường trên cao và giao thông thủy.
Về giảm ngập nước, ngoài giải pháp cống và đê ngăn triều, giải pháp hồ điều tiết nước (bao gồm hồ điều tiết ngầm thông minh) theo phương pháp quy hoạch dành chỗ cho nước ngấm ở mặt đất và cả trên mái nhà.
Về giảm ô nhiễm môi trường, hiện nay trên thế giới đang trong giai đoạn toàn cầu hóa, xã hội thông tin và lập trình, với muôn mặt của nó đã dẫn tới hiện tượng phát triển các TP cực lớn. Sự phát triển các siêu TP đi đôi với "khủng hoảng sinh thái đô thị", đó là một "căn bệnh đô thị", liên quan chặt chẽ đến môi trường và làm cho chất lượng cuộc sống con người có nguy cơ suy giảm. TP HCM cũng không phải là ngoại lệ nên rất cần có giải pháp giảm ô nhiễm môi trường và khủng hoảng sinh thái, hướng đến TP phát triển bền vững.
TP có bản sắc mới là TP hấp dẫn
TP HCM là TP sông nước. Chính sự ưu việt của đường thủy và kênh rạch xưa đã trở thành trung tâm hoạt động của đô thị, khu lõi trung tâm lịch sử Sài Gòn và khu vực Chợ Lớn, khu lõi trung tâm lịch sử Sài Gòn hiện đang là trung tâm thương mại dịch vụ của TP, với những công trình lịch sử và cảnh quan đô thị được thiết lập trong thời kỳ thuộc Pháp; các loại hình công trình tín ngưỡng, tôn giáo với hàng trăm đình, chùa, di tích mộ táng, lăng tẩm...; các loại hình di tích thành lũy và công trình quân sự... Các di sản thiên nhiên và công trình di sản này là bản sắc riêng của TP, niềm tự hào của người dân và tạo nên sức hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, cần có chính sách đặc biệt để bảo tồn. Đây cũng chính là một trong những điều kiện để TP HCM phát triển bền vững.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)