Từ khoảng cuối năm 2016, con đường làng dài khoảng hơn 2 km từ thôn Cự, xã Lê Thiện nối với xã Dụ Nghĩa vòng qua Trạm thu phí số 2 - Quốc lộ 5, đã trở nên quá tải bởi dòng xe cơ giới (gồm xe tải loại nhỏ dưới 2 tấn và taxi, xe 4 chỗ) ùn ùn qua lại suốt ngày đêm.
Thu tiền hàng trăm xe/ngày
Theo ước tính của người dân nơi đây, mỗi ngày có đến hàng trăm lượt ô tô qua lại con đường này vốn đầy rẫy ổ trâu, ổ gà, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Quá bức xúc, người dân thôn Cự đã bầu ra "Ban tự nguyện" gồm các thương binh, người già lập chốt ngăn dòng phương tiện từ nơi khác đến băm nát đường làng. "Ban tự nguyện" thay phiên nhau đứng gác bất kể ngày đêm. Khi phát hiện xe lạ lập tức sẽ có người ra chặn đường, yêu cầu nộp phí 10.000 đồng/lượt.
Trong vai lái taxi ở tỉnh khác đi qua đây để "né" trạm thu phí, phóng viên Báo Người Lao Động được ông H. (64 tuổi, ngụ thôn Cữ) - là người trực tiếp thu tiền của tài xế qua chốt này - cho biết việc "thu phí" do bà con ở thôn Cữ thống nhất để lấy kinh phí sửa chữa con đường đang bị xuống cấp từng ngày. Các "nhân viên" đứng chốt thu phí chia làm 3 ca, túc trực suốt 24/24 giờ. Ngoài mức phí mỗi lần là 10.000 đồng, các phương tiện thường xuyên qua chốt có thể mua "vé tháng" với mức 300.000 đồng.
Trong chốt này có treo một tấm bảng ghi số lượng phương tiện đóng tiền mua vé tháng 6-2017, tổng cộng có khoảng 20 xe các loại. Cùng với đó, phóng viên phát hiện được 1 cuốn sổ thống kê số xe qua đường này hằng ngày. Chỉ riêng ngày 15-6, có đến 290 xe qua đây. Quan sát thực tế khoảng 15 phút, phóng viên đếm được hơn 20 phương tiện nộp tiền, chủ yếu là xe tải nhỏ.
Ô tô qua đường làng “né” trạm thu phí và thành viên “Ban tự nguyện” yêu cầu nộp phí
Tự nguyện ủng hộ?
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Lê Thiện, xác nhận việc thu phí trên diễn ra từ đầu năm 2017. "Bức xúc trước việc các phương tiện từ nơi khác đi qua làm đường làng xuống cấp, người dân đã tự lập chốt ngăn các phương tiện này qua lại. Tuy nhiên, sau đó, mỗi lần các phương tiện đi qua phải "tự nguyện ủng hộ 5.000-10.000 đồng".
"Mấy người trong thôn xin phép xã cho ra gác để điều tiết xe nên chính quyền cũng đồng ý. Phí có thu đâu, chỉ huy động ông nào tốt thì cho, không tốt thì thôi, đi thoải mái" - chủ tịch xã Lê Thiện nói.
Thế nhưng, trước câu hỏi nếu phương tiện được đi qua thoải mái thì sao phải lập chốt, ông Hải giải thích: "Các phương tiện bị chặn lại để các tình nguyện viên thôn Cữ hỏi xin một tí, mỗi ông 5.000 đồng, 10.000 đồng. Đa số các xe đã đi qua đoạn đường này đều là xe trốn trạm, thay vì mất 40.000 đồng ở trạm thu phí thì qua đây chỉ mất chừng ấy".
Theo ông Hải, chính quyền xã không nắm rõ số tiền thu được và cũng không quản lý. Toàn bộ tiền thu được người dân dùng để mua nguyên vật liệu san lấp ổ voi, ổ gà trên đoạn đường này. Không chỉ xe tải nhỏ dưới 2 tấn, ô tô 4 chỗ, có cả xe container cũng chạy vào đường làng để tránh trạm thu phí.
Ông Hải bày tỏ rằng một phần nguyên nhân xe trốn trạm thu phí là do đơn vị đứng ra thu phí đường bộ không quan tâm, tạo cơ chế phù hợp cho người dân địa phương của các xã ở 2 bên trạm thu phí. Nhiều người dân ở cách trạm thu phí có mấy trăm mét nhưng hằng ngày phải đi làm hoặc giải quyết công việc khác qua trạm đến 4,5 lần đều phải mua vé rất tốn kém. Trước đây vé qua trạm chỉ 10.000 đồng thì còn có thể chịu được. Sau đó tăng lên 45.000 đồng, rồi mới giảm xuống 40.000 đồng thì khó có ai chịu nổi.
"Vấn đề này chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến đơn vị thu phí, sau đó là các cấp có thẩm quyền, từ huyện đến thành phố và cả trung ương. Hoặc là di chuyển trạm thu phí về phía trên, đoạn giáp ranh với tỉnh Hải Dương, hoặc là có cơ chế giảm phí cho người dân địa phương" - ông Hải nói. Vị chủ tịch xã này cũng tiết lộ rằng do không được giải quyết nên người dân địa phương đã phải "mở đường" tránh trạm thu phí, sau đó người dân địa phương khác cũng "ăn theo".
Ngoài thẩm quyền trạm thu phí
Bà Đào Thị Thái, Phó Trạm thu phí số 2, cho rằng có biết con đường làng đó nhưng không biết người dân tổ chức lập chốt, thu tiền. Nếu có biết đi nữa nhưng việc này không thuộc thẩm quyền của trạm nên cũng không thể kiểm tra. Bà Thái cũng xác nhận việc người dân nhiều lần kiến nghị có cơ chế thu phí với những người dân địa phương nhưng đây cũng không phải là thẩm quyền của trạm nên vẫn thu phí bình thường và chờ hướng dẫn của cơ quan cấp trên.
Bình luận (0)