Nội dung Chỉ thị 19-CT/TU đã ghi nhận phần nào sự đồng bộ của toàn xã hội hưởng ứng chương trình phân loại rác tại nhà và khuyến khích người dân không xả rác bừa bãi ra môi trường, đặc biệt là kênh rạch, hệ thống thoát nước.
Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, rác thải tại TP HCM vẫn chưa giảm về mặt khối lượng lẫn trọng lượng (hơn 9.200 tấn/ngày). Trên đường phố, kênh rạch vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi, tập kết rác cồng kềnh, rác thải công nghiệp.
Những hạn chế
Qua đánh giá sơ bộ, có 2 khái niệm mà TP HCM chưa làm được: vẫn còn tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, nơi công cộng; lượng rác phát thải mỗi năm chưa giảm, ngược lại rác phát thải dự báo tăng 10%/năm.
Có 7 nguyên nhân khiến 2 mục tiêu trên chưa đạt được. Đó là thiếu định hướng phân loại và phương thức thu gom các thành phần rác thải khác trong toàn môi trường - xã hội. Bởi ngoài rác sinh hoạt của người dân, còn rất nhiều loại khác như rác công nghiệp, công nghiệp có yếu tố nguy hại, rác thải thương mại…, đặc biệt là rác xây dựng chiếm tỉ trọng cao được trộn lẫn trong rác sinh hoạt.
Đến nay, TP chưa đồng bộ hóa được lực lượng thu gom rác dân lập về con người lẫn phương tiện thu gom; 60%-75% lực lượng thu gom hiện nay là dân lập mà chúng ta chưa chuẩn hóa được, chỉ mới đơn thuần là đưa vào HTX, nghiệp đoàn để quản lý. Chưa nâng cao vai trò lực lượng thu gom của các công ty công ích quận, huyện; đặc biệt là Công ty Môi trường đô thị TP. Việc này rất lãng phí, cần phải có chiến lược mới.
TP cũng thiếu những chương trình tuyên truyền và cam kết đến tay người dân, các tổ chức trên địa bàn TP tham gia phân loại rác tại nguồn, không xả rác bừa bãi nơi công cộng. Chưa thực hiện tốt chương trình đột phá về bảo vệ môi trường như lập danh sách di dời các cơ sở ô nhiễm trên địa bàn TP theo Quyết định 6762/2016 của UBND TP HCM.
Ngoài ra, một mấu chốt quan trọng nữa là kinh phí thực hiện chương trình trong công tác thu gom và vận chuyển còn thấp; công tác giám sát và đánh giá quá trình thực hiện còn hạn chế.
Lực lượng thu gom rác sinh hoạt của Công ty Dịch vụ công ích huyện Củ Chi, TP HCM đang thu gom rác trên Quốc lộ 1 Ảnh: Thu Hồng
Tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng
Để giảm lượng rác thải, TP HCM cần tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ tối quan trọng. Đó là, lập các trạm cân rác (chất thải) độc lập tại các khu liên hợp xử lý chất thải TP như khu Đa Phước (huyện Bình Chánh) và Phước Hiệp (huyện Củ Chi) nhằm kiểm soát chính xác số lượng rác vào cầu cân, không để toàn quyền các công ty tự quản lý cầu cân như hiện nay vì rủi ro số liệu có thể xảy ra…
Bên cạnh đó, thiết lập lại chương trình thu gom xà bần hay còn gọi là rác thải trong xây dựng, việc này trước đây đã thực hiện và dừng vào năm 2008. Kể cả công tác vớt rác trên kênh, nếu tách bạch được chương trình này, lượng rác thải TP sẽ giảm rất nhiều. Hiện nay, chất thải xây dựng ước tính chiếm 30% tỉ trọng lượng rác thu gom của TP. Trước mắt, nên giao nhiệm vụ này cho các công ty công ích hay Công ty Môi trường đô thị TP thực hiện và hỗ trợ kinh phí trong kinh phí sự nghiệp môi trường hằng năm. Nếu tăng thu gom xà bần và chất thải xây dựng thì lượng rác thải sinh hoạt qua cầu cân của các khu xử lý sẽ giảm, lợi ích kinh tế TP sẽ tăng.
Ngoài 2 nhiệm vụ chính yếu, cần có các nhiệm vụ hỗ trợ khác về mặt quản lý nhà nước. Cụ thể, xây dựng và điều chỉnh lại đơn giá thu gom, vận chuyển chất thải trên địa bàn bảo đảm đúng và đủ, không để thiếu chi phí thực hiện như hiện nay. Chuẩn hóa lực lượng thu gom rác dân lập và công lập kể cả chuẩn hóa phương tiện thu gom nhằm bảo đảm tính đồng bộ trên toàn địa bàn TP. Thực hiện chương trình đột phá về môi trường, nâng cao vai trò của Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác chỉ đạo và điều hành các chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phân loại rác tại nguồn, đánh giá quá trình thực hiện để điều chỉnh cho phù hợp. Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan hữu quan trong công tác tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, phối hợp với lực lượng Cảnh sát môi trường tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân bảo vệ môi trường chung của TP theo mục tiêu đã đề ra, kể cả tăng cường lực lượng Cảnh sát môi trường về phường, xã để thực hiện nhiệm vụ.
Bình luận (0)