Loạt phóng sự "Thế giới taxi riêng" ở sân bay Tân Sơn Nhất" của Báo Người Lao Động khởi đăng từ ngày 16-2 đã phản ánh rõ nét thực trạng bát nháo, lộn xộn, thiếu sự điều hành chung, thậm chí là "bỏ lơ" công tác điều hành... tại sân bay quốc tế này. Mặt khác, tình trạng đó cũng cho thấy công tác quy hoạch còn tồn tại nhiều vấn đề dẫn đến thiếu thông thoáng, không có sự liên thông, kết nối, khiến hành khách gặp nhiều khó khăn.
Lập lại quy củ, công bằng
Để thiết lập lại trật tự tại sân bay Tân Sơn Nhất, tôi cho rằng có một số vấn đề cần lưu ý xử lý kịp thời.
Đầu tiên, đường ra vào đón - trả khách tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện được quy hoạch chưa tốt. Mặc dù tiêu tốn nhiều tiền của nhưng sự bất hợp lý dẫn đến lộn xộn, gây khó khăn cho hành khách khi muốn tìm xe công nghệ, taxi, xe ôm... để di chuyển từ sân bay tới các điểm đến.
Tiếp đến, vấn đề nhức nhối hơn chính là tình trạng taxi, xe đón khách... không được phân luồng và kiểm soát, giám sát chặt chẽ. Từ đây, dễ dàng dẫn đến tình trạng tiêu cực, đút lót, đi cửa sau, hình thành một "thế giới ngầm" thao túng hoạt động của taxi, xe công nghệ, xe đưa đón khách nói chung tại sân bay Tân Sơn Nhất. Việc này không chỉ gây khó khăn, bức xúc cho hành khách mà còn làm xấu đi hình ảnh của một sân bay quốc tế với năng lực đón hàng chục triệu du khách nước ngoài mỗi năm. Nguyên nhân nằm ở chỗ các lực lượng chức năng như công an, thanh tra giao thông, lãnh đạo sân bay... làm chưa hết trách nhiệm, có thể có sự dung túng, tiếp tay cho tình trạng "cò mồi" làm nhiễu loạn hoạt động đón - trả khách của sân bay. Trong đó, lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất có trách nhiệm đầu tiên, trực tiếp đối với việc để xảy ra dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm tại sân bay. Lãnh đạo sân bay cần chịu trách nhiệm trước hết với TP HCM, Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tình trạng trên.
Cần bảo đảm công bằng, bình đẳng với các phương tiện đón, chở khách ở sân bay Ảnh: LÊ VĨNH
Sau loạt phóng sự của Báo Người Lao Động, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã ra chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh tình trạng bát nháo tại sân bay Tân Sơn Nhất. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cũng ký công văn khẩn gửi Cục Hàng không Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải TP HCM về việc tăng cường tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đến và đi tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trách nhiệm đã rõ, cũng đã có sự chỉ đạo chấn chỉnh. Nếu tình trạng này vẫn chưa được nhanh chóng khắc phục thì những cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm khắc.
Việc dễ, chỉ cần quyết tâm
Nếu đã từng tới các sân bay của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore..., hẳn mọi người không thấy có tình trạng lộn xộn, chèo kéo khách như xảy ra ở sân bay Tân Sơn Nhất thời gian gần đây. Thậm chí, hành khách không hề thấy sự có mặt của công an hay các lực lượng quản lý an ninh song không hề mất trật tự hay xảy ra tiêu cực.
Câu hỏi đặt ra là các sân bay quốc tế có kinh nghiệm quy hoạch, phân bổ, điều tiết làn đón - trả khách như thế nào để bảo đảm trật tự, thông suốt, giữ được hình ảnh đẹp?
Thực tế, không có kinh nghiệm gì quá đặc biệt để áp dụng vào việc vận hành hoạt động của một sân bay với quy mô không quá lớn. Việc sắp xếp, quy hoạch làn xe, khu vực chờ xe, đón khách... là một trong những nghiệp vụ bình thường, cơ bản của ngành hàng không và các đơn vị quản lý mặt đất, bến bãi tại các sân bay. Việc bàn thảo và hình thành một sơ đồ hợp lý về làn xe, vị trí đỗ xe đón khách, vị trí chờ xe, quầy mua vé... nằm trong tầm tay của sân bay và các cơ quan quản lý ngành hàng không. Đó không phải nhiệm vụ bất khả thi. Điều quan trọng là lãnh đạo sân bay, cơ quan quản lý ngành hàng không và địa phương có ngồi lại với nhau để tính toán, đưa ra quy hoạch hợp lý hay không?
Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là bảo đảm công bằng, bình đẳng với các phương tiện đón, chở khách ở sân bay. Sử dụng dịch vụ xe công nghệ đã trở thành xu hướng phổ biến đối với hành khách trong vài năm trở lại đây. Song sân bay Tân Sơn Nhất lại đẩy khu vực đón xe công nghệ lên lầu 3, 4, 5 của tòa nhà TCP. Việc này không chỉ khiến hành khách gặp nhiều bất tiện hơn trong di chuyển mà dường như còn vô tình khiến tình trạng "cò", "trùm" bến bãi nở rộ.
Mới đây, nhà xe TCP cho biết đơn vị này phối hợp với Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất mở thêm một làn ôtô đón khách, góp phần giảm tình trạng ùn ứ ở khu vực trước nhà ga quốc nội. Đó là làn D1 nằm ở phía trong nhà xe TCP, song song với các làn xe khác trước ga quốc nội, đã được đơn vị xây dựng từ trước với đầy đủ cơ sở hạ tầng. Làn D1 trước đây chưa khai thác mà bổ trợ cho làn D - nơi đang tổ chức để taxi, ôtô ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với sân bay vào đón khách. Tuy nhiên, để giải bài toán tổng thể, cần có quy hoạch chung chi tiết với sự bố trí hợp lý làn taxi, xe công nghệ, trạm xe buýt...
Ngăn chặn taxi dù
Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường các giải pháp nhằm hạn chế ách tắc giao thông trước nhà ga hành khách tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo đó, để ngăn chặn tình trạng taxi dù chèo kéo, ép giá hành khách đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất và tăng cường các giải pháp nhằm hạn chế ách tắc giao thông trước nhà ga hành khách tại sân bay này, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam triển khai và chỉ đạo sân bay Tân Sơn Nhất khẩn trương triển khai nghiên cứu phương án bố trí bổ sung đủ taxi theo nhu cầu hành khách trong dịp cao điểm.
Sân bay Tân Sơn Nhất cần rà soát, làm việc lại với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ôtô được phép khai thác tại sân bay để đánh giá lại năng lực của các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí đủ phương tiện tối thiểu đáp ứng nhu cầu sản lượng hành khách thông qua theo giới hạn năng lực khai thác, khả năng cung ứng ôtô tại sân bay của từng doanh nghiệp; kịp thời lựa chọn công khai, minh bạch để bổ sung các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ôtô khác nhằm bảo đảm nhu cầu taxi trong các dịp cao điểm, đặc biệt là cao điểm 30-4, 1-5 và cao điểm hè năm 2022 sắp đến...
Cục Hàng không Việt Nam giao Cảng vụ Hàng không miền Nam phối hợp với sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty Cổ phần TCP rà soát phương án giao thông trước nhà ga hành khách sân bay Tân Sơn Nhất; tiếp tục đề xuất với Công an TP HCM, Đồn công an Tân Sơn Nhất, Sở Giao thông Vận tải kiểm tra, xử lý tình trạng xe dù hoạt động tại sân bay này. Trường hợp cần thiết, kiến nghị Công an TP HCM hỗ trợ, giải quyết dứt điểm tình trạng hoạt động của xe dù. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung cấp dịch vụ của các hãng taxi, xe công nghệ được nhượng quyền khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất và có hình thức xử lý nghiêm đối với các trường hợp nhân viên của hãng có hiện tượng chèo kéo khách, ép giá khách.
D.Ngọc
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-2
Bình luận (0)