xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lấy phiếu tín nhiệm để có cán bộ xứng đáng

Thế Dũng thực hiện

Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín

Báo Người Lao Động đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

* Phóng viên: Bà có thể cho biết mục đích việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm lần này?

Lấy phiếu tín nhiệm để có cán bộ xứng đáng - Ảnh 1.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

- Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh: Việc xây dựng dự thảo nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (Quy định 96) và Nghị quyết 27/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Việc này nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 85/2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn hiện hành đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục kịp thời.

Việc xây dựng và ban hành một nghị quyết mới về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn nhằm tăng cường trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Lấy phiếu tín nhiệm để có cán bộ xứng đáng - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn thành viên Chính phủ tại một kỳ họp Quốc hội Ảnh: NHƯ Ý

* Thưa bà, dự thảo nghị quyết lần này có điểm gì mới so với Nghị quyết 85/2014?

- Dự thảo nghị quyết gồm 22 điều, so với Nghị quyết 85/2014 đã sửa đổi, bổ sung 15 điều và bổ sung 4 điều. Cụ thể, dự thảo nghị quyết đã bổ sung nội dung trách nhiệm của người được lấy phiếu trong triển khai nghị quyết, kết luận về công tác giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND, các ban của HĐND; kết quả giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tôn trọng, lắng nghe và nghiên cứu để giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả thực hiện cam kết và lời hứa (nếu có).

Dự thảo nghị quyết cũng bổ sung 1 điều quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm việc thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.

Dự thảo nghị quyết cũng bổ sung quy định sửa đổi Nghị quyết 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; sửa đổi Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM theo hướng không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND quận…

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu. Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế.

Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải bảo đảm đủ hai tiêu chí: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Trên cơ sở Quy định 96, Luật Cán bộ, công chức, dự thảo nghị quyết đã quy định chi tiết nội dung của các tiêu chí đánh giá phù hợp với đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND và bổ sung nội dung trách nhiệm của người được lấy phiếu trong triển khai nghị quyết, kết luận về công tác giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND, các ban của HĐND.

* Kết quả thu được từ việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ tác động ra sao vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, thưa bà?

- Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, dự thảo nghị quyết quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp", cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất hoặc người đó xin từ chức.

Trường hợp không xin từ chức, cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giúp cho cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để "tự soi", "tự sửa". Việc này nhằm tăng cường tính dân chủ, minh bạch, bảo đảm quyền được giải trình của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

Những ai phải lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm?

Dự thảo nghị quyết đề xuất Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các Ủy viên UBND.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội:

Tránh cảm tính

Cần có các quy định cụ thể về việc cung cấp thông tin, tài liệu làm cơ sở cho các đại biểu đánh giá sát, đầy đủ, chính xác nhất đối với các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm.

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ tài liệu, thông tin cho đại biểu đánh giá cũng nhằm tránh việc lấy phiếu tín nhiệm không khách quan hoặc đánh giá theo cảm tính. Về thông tin để đại biểu làm cơ sở bỏ phiếu tín nhiệm, bên cạnh báo cáo của người được lấy phiếu còn nhiều nguồn thông tin khác có thể tham khảo như báo chí, dư luận xã hội.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp:

Phải nỗ lực trong công tác

Việc lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở, tiền đề để các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, đánh giá để bố trí cán bộ sau này. Nếu bị quá nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì cán bộ đó không còn xứng đáng với lòng tin của Quốc hội, HĐND, cũng như nhân dân. Nếu cán bộ nào thấy bản thân mình không còn xứng đáng thì nên chủ động xin từ chức. Các cán bộ hiện nay nên soi bản thân, nếu không còn xứng đáng thì nên từ chức sớm.

Do vậy, người được lấy phiếu tín nhiệm phải luôn nỗ lực trong quá trình công tác, luôn soi rọi những tồn tại hạn chế của bản thân để khắc phục.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng:

Cơ bản tán thành

Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như trong dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị thiết kế quy định trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì vẫn nên có cơ chế "chủ động xin từ chức". Trường hợp không từ chức thì mới tiến hành miễn nhiệm theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Cũng có ý kiến cho rằng bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là một hình thức xem xét kỷ luật đối với người giữ chức vụ. Do đó, đề nghị trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có từ quá nửa tổng số đại biểu trở lên đánh giá không tín nhiệm, Quốc hội, HĐND tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức đối với người đó.

H.Thanh - M.Chiến - T.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo