xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

VỊ ĐẮNG HẬU TÁI ĐỊNH CƯ (*): Mặc dân chê, cứ đầu tư

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Đầu tư hơn 20 tỉ đồng để xây dựng khu tái định cư cho những hộ dân phải di dời vì thủy điện. Bảy năm qua, nhiều công trình dân sinh ở đây chỉ để… nhốt bò

Ông Đặng Đình Toại - Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên - cho biết đang tiếp tục vận động các hộ dân đến khu tái định cư (TĐC) buôn Chao (xã Ea Bá) nhưng đến nay vẫn chỉ có 7 hộ dân đến từ 7 năm trước chứ chưa có thêm hộ nào.

Trường học thành nơi nhốt bò

Dù mới 9 giờ nhưng nắng tháng 5 đã bỏng rát da. Con đường đổ đá dăm từ trung tâm xã Ea Bá đến khu TĐC buôn Chao gần 10 km chẳng có một bóng cây để trú nắng. Dù đi xe máy nhưng đến được khu TĐC này thì ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Càng thất vọng hơn khi trước mắt là một khu TĐC buôn chẳng ra buôn, làng chẳng ra làng, chỉ giống như khu rẫy bỏ hoang lâu ngày.

Trường tiểu học đang bỏ hoang ở khu tái định cư buôn Chao
Trường tiểu học đang bỏ hoang ở khu tái định cư buôn Chao

Nếu như hình ảnh thường gặp ở những buôn làng người Ê Đê là bóng cây kơnia tỏa mát nơi đầu buôn thì ở khu TĐC này là lúp xúp những bụi cây dại, cây gai và cỏ mọc um tùm. Lưa thưa trong đó là vài túp lều tạm bợ, lụp xụp, vách nứa, cửa hé mở nhưng tìm mỏi mắt vẫn không thấy chủ nhà.

Các công trình công cộng đều xuống cấp, hư hỏng. 25 giếng nước đào sâu hàng chục mét hiện cái thì khô, cái thì lềnh bềnh rác. Nằm giữa đám cây bụi là một phòng học mẫu giáo tường nứt toác, bụi đóng từng lớp, cửa sổ bị bung rời lăn lóc dưới nền nhà. Trường tiểu học gồm 2 phòng trống hoác và đầy phân bò.

Ma Ách là trưởng buôn cũ đã tiên phong đến khu TĐC và cũng là hộ gia đình duy nhất bám trụ tận bây giờ. Sáu hộ khác chỉ dựng chòi ở khu TĐC rồi chạy đi chạy về giữa nơi ở mới và buôn cũ. “Mình là buôn trưởng phải làm gương cho dân làng nên bám trụ ở đây. Nhưng nói thật khổ lắm” - Ma Ách chua xót.

Tại nơi ở cũ là buôn Bầu, gia đình Ma Ách có 2,6 ha để trồng mì, bắp và hơn 2 sào lúa nước. Khi đến khu TĐC buôn Chao, gia đình Ma Ách chỉ có thể trồng mì quanh nhà. Đàn bò về đây cũng chỉ thả rong, tối muốn ngủ ở đâu thì mặc. Gặp hôm trời mưa, cả đàn bò kéo vào trường tiểu học.

Ông Y Sách, Chủ tịch UBND xã Ea Bá, cho biết dù xã vận động đến mấy thì cũng chỉ có 7 hộ dân chịu di dời đến khu TĐC. “Không có ai lên đó nữa. Họ bảo xa quá. Về đấy không có đất rẫy cũng không có đất ruộng lấy đâu mà sản xuất để có cái ăn. Vậy nên người dân không chịu di dời” - ông Y Sách ngán ngẩm.

Ở 1 năm rồi... thoái lui

Năm 2004, Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ được xây dựng. Theo thiết kế, khi tích nước phục vụ cho việc chạy máy phát điện sẽ làm ngập nhiều khu dân cư, trong đó có buôn Bầu. Chủ đầu tư dự án lúc đó là Ban Quản lý thủy điện 7 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) thống nhất với UBND huyện Sông Hinh xây dựng khu TĐC buôn Chao trên diện tích 16 ha để di dời 69 hộ dân buôn Bầu. Toàn bộ số hộ dân này là người Ê Đê.

Trước khi xây dựng khu TĐC buôn Chao, huyện Sông Hinh đã họp dân để lấy ý kiến về nơi ở mới. Tại buổi họp, người dân bày tỏ lo ngại về việc nơi ở mới quá xa trung tâm xã, xa nơi ở cũ, lại không có đất canh tác, cuộc sống sẽ khó khăn nên không đồng ý di dời. Nguyện vọng của dân là nên xây dựng khu TĐC ở một vị trí khác, vừa gần nơi ở cũ vừa có thể tận dụng những diện tích rẫy còn sót lại chưa bị lòng hồ thủy điện nhấn chìm để canh tác.

Thế nhưng, ý nguyện của người dân không được chấp thuận nên khu TĐC buôn Chao với tổng mức đầu tư đến 20 tỉ đồng vẫn được xây dựng. 16 ha được san ủi mặt bằng, 25 giếng nước được đào, trường mẫu giáo, tiểu học với trên 2,5 km đường nội buôn vẫn được xây dựng, lưới điện hạ áp được kéo về.

Khi mọi việc hoàn thành, đến tháng 7-2007, UBND huyện Sông Hinh tiến hành di dời dân nhưng dù cán bộ xã, huyện vận động đến khô cổ thì vẫn chỉ có 13 hộ đồng ý đi. Tuy nhiên, cũng chỉ được một năm, do không có đất sản xuất, lần lượt từng hộ dân ở đây lại quay về nơi ở cũ, chỉ còn lại 7 hộ.

Ông Ksor Y Tôn - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bá, cũng là một trong số 13 hộ dân di dời lên khu TĐC buôn Chao - giờ cũng bức bối với nơi ở mới. Ksor Y Tôn cho biết trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, địch lùng sục đốt buôn làng nên người dân Ê Đê đã từng chuyển đến khu vực TĐC buôn Chao bây giờ để sinh sống và biết rất rõ đây là vùng đất mà bắp không cho trái, lúa không trổ bông. Sau năm 1975, người dân trở về buôn Bầu sinh sống và yên ổn từ đó

“Bây giờ lại chuyển đến đó thì làm sao người dân sống được. Mình làm cán bộ phải gương mẫu vậy thôi, còn bà con họ bỏ về nơi ở cũ cũng đành chịu, nói gì được” - Ksor Y Tôn nói và cho biết thêm rằng việc dời từ buôn cũ lên khu TĐC buôn Chao phải đi qua 3 buôn trong xã và đấy là điều mà bà con dân tộc Ê Đê rất “kỵ”. Đó cũng là lý do khiến dân chỉ ở một thời gian là quay về.

Theo ông Đặng Đình Toại, huyện đang tiếp tục chỉ đạo xã Ea Bá vận động số hộ thanh niên mới lập gia đình về nơi TĐC sinh sống. “Phải kiên trì vận động từ từ thôi chứ cũng khó lắm. Người dân không thích ở đây thì cũng không thể ép họ được. Thôi thì cứ để đấy, hộ nào ra riêng không có đất ở thì đưa về đây” - ông Toại nói.

Hợp lòng dân là dân tự nguyện ngay

Trước tình hình người dân không chịu vào khu TĐC buôn Chao, UBND tỉnh Phú Yên phải chấp nhận cho phép huyện Sông Hinh quy hoạch khu dân cư buôn Bầu mới cách buôn Bầu cũ chỉ khoảng 1 km để người dân tận dụng diện tích hơn 200 ha rẫy chưa bị lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ gây ngập để canh tác. Khu TĐC này rộng gần 11 ha và chỉ đầu tư hơn 5,4 tỉ đồng nhưng vừa hoàn thành là số hộ dân cần di dời đã về đây định cư. “Cái gì hợp lòng dân là dân tự nguyện ngay thôi” - ông Y Sách thích thú khi nói về khu TĐC mới này.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo