Bạo lực học đường đã trở nên nghiêm trọng, nhức nhối khi gần đây liên tục xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau với nhiều clip bị đưa lên mạng, trở thành nỗi ám ảnh trong lòng người. Phần lớn các vụ bạo lực học đường hiện nay chỉ bị phát hiện, xử lý khi các clip phát tán trên mạng xã hội. Trong khi đó, các nạn nhân hầu như chọn giải pháp im lặng, nhẫn nhục chịu đựng.
“Trong các vụ bạo lực học đường hiện nay, con người không còn nhân tính”. Nhận định trên của GS-TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, đã phản ánh đúng diễn biến phức tạp cũng như sự manh động, nhẫn tâm của con trẻ khi ra tay với bạn bè. Đắng lòng hơn khi nó lại bùng lên mạnh mẽ trong nữ sinh vốn chân yếu tay mềm.
“Thuốc” chữa căn bệnh bạo lực học đường đã được kê đơn khá nhiều nhưng dường như nó chỉ mới tác động rất khiêm tốn đến một bộ phận nhỏ các phụ huynh có con trong độ tuổi đi học. Đừng quy trách nhiệm cho nhà trường phải giáo dục trẻ nên người! Đừng đổ lỗi cho xã hội với những thói hư tật xấu lôi kéo trẻ! Trách nhiệm dạy dỗ, uốn nắn con cái trước hết là của gia đình.
Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, sự quan tâm, rèn giũa, uốn nắn con trẻ của phụ huynh sẽ không bao giờ là vô ích. Dõi theo từng hành động của trẻ, phát hiện kịp thời những biến chuyển tâm lý, hành vi lệch lạc để định hướng đúng đắn là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ con trẻ tránh xa các mầm mống bạo lực.
Người ta nói nhiều đến vai trò của công tác tư vấn tâm lý học đường nhưng hiệu quả của công tác ấy chỉ mới dừng lại ở một mức độ, quy mô nhỏ lẻ. Nguồn nhân lực chuyên môn để tổ chức tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh còn hạn chế. Vậy thì hãy trang bị cho giáo viên đứng lớp những kiến thức tâm lý và những kỹ năng tư vấn cơ bản để mỗi giáo viên cũng có thể là một nhà tâm lý cho học sinh.
Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng các hình thức xử lý sau đó như tổ chức hòa giải, kỷ luật cảnh cáo hay đình chỉ việc học tập cũng chỉ mới chặt đứt phần ngọn. Cái gốc của vấn đề ngăn chặn, dứt điểm bạo lực trong học sinh chính là vai trò của giáo dục đạo đức, nhân cách. Đó chính là nâng cao vị thế, vai trò của bộ môn Giáo dục công dân. Việc Bộ GD-ĐT quyết định đưa Giáo dục công dân vào bài thi tổ hợp các môn Khoa học xã hội cùng với Lịch sử, Địa lý đã cho thấy một biến chuyển lớn trong việc quan tâm dạy người song song với dạy chữ. Chất lượng dạy và học bộ môn này nhất định có sự thay đổi, không chỉ để phục vụ thi cử mà còn giúp định hình tâm hồn, lối sống đúng mực cho học sinh. Vấn đề còn lại là việc tổ chức dạy và học bộ môn này sao cho hiệu quả và phải được sự trợ giúp tích cực, đồng bộ của các nhóm giải pháp từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Bình luận (0)