Tôi không biết làm cách nào để thay đổi thói quen sinh hoạt của mình và làm việc hiệu quả như trước đây.
TS Lê Minh Công (Chương trình Vắc-xin tinh thần thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM):
Bất cứ một sự thay đổi nào cũng đều có thể dẫn tới trạng thái khủng hoảng (stress) cho chúng ta. Vì thế, việc có chiến lược thích ứng với những thay đổi là cực kỳ quan trọng để có thể sống tích cực hơn.
Đầu tiên, tôi cho rằng bạn cần thay đổi lại thói quen theo hướng tích cực mà bạn đã từng thực hiện trước đây như tập thể dục (sáng hay chiều), chế độ giấc ngủ, chế độ ăn uống…
Có thể lúc đầu (thường trong 2 tuần đầu), bạn sẽ thấy mệt mỏi và chưa quen với những điều này nhưng rồi khi vượt qua được ngưỡng đó, bạn sẽ thấy thoải mái và tích cực hơn. Điều quan trọng là bạn phải có niềm tin và kiên định với việc duy trì/ gia cố thói quen này.
Thứ nữa, bạn cũng cần chú ý tập trung cân bằng giữa công việc và những hoạt động khác như giải trí, kết nối với gia đình, bạn bè. Điều này giúp bạn thấy cuộc sống có ý nghĩa và không quá áp lực, kể cả sau này có những thay đổi mới phát sinh trong cuộc sống.
Sự cân bằng này đến ở cả nhiều khía cạnh như gia tăng giá trị và đam mê nghề nghiệp; xây dựng mối quan hệ gia đình và thân tình tích cực; phát triển những giá trị và đam mê bản thân; tham gia những hoạt động tích cực và có giá trị như hỗ trợ cộng đồng sau dịch, các dự án phi lợi nhuận.
Chỉ khi bạn cân bằng theo các khía cạnh như gia tăng hài lòng về bản thân, có các chiến lược chống đỡ stress như thiền, yoga, suy nghĩ tích cực…, thăng tiến trong công việc và có các mối quan hệ xã hội tích cực, bạn sẽ luôn cảm thấy thoải mái và có khả năng thích ứng tốt với mọi hoàn cảnh và sự thay đổi.
Bình luận (0)