Phóng viên LÊ PHONG:
Vững vàng hơn để phục vụ bạn đọc
Đúng vào ngày này năm ngoái, chúng tôi có mặt tại vùng rốn lũ ở tỉnh Attapeu - Lào, nơi xảy ra vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy khiến hàng ngàn người mất tích. Đây là một trong những hành trình tác nghiệp gian nan, khó khăn nhất đối với chúng tôi.
Phóng viên Lê Phong (bìa trái) nhận giải báo chí TP HCM năm 2018 Ảnh: KHOA NGUYÊN
Sau khi nghe tin, ngay trong đêm, từ TP HCM, chúng tôi lên đường để sớm đến cửa khẩu Bờ Y, tỉnh Kon Tum. Từ đây, để vào vùng rốn lũ còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuyến giao thông độc đạo bị chia cắt bởi những dòng nước lũ.
Với mong muốn mang thông tin nhanh nhất đến bạn đọc, chia sẻ những mất mát mà người dân nước bạn Lào đang đối mặt, chúng tôi bất chấp nguy hiểm, cố gắng tiến vào sâu. Đi chừng vài ki-lô-mét, một trận mưa lớn đổ xuống khiến việc di chuyển thêm khó khăn. Mất thêm gần 5 giờ cho quãng đường 45 km, chúng tôi mới đặt chân đến thị trấn Sanamxay.
Tiếng còi xe cấp cứu réo liên tục, tiếng khóc vang cả một vùng. Bầu trời dần tối đen như mực, xung quanh chìm trong biển nước, cảnh tượng tan hoang. Gần đó, ở khu chợ trung tâm thị trấn, hơn một nửa tiểu thương là người Việt cùng tiểu thương Lào vất vả chạy lũ.
Đến vị trí tạm cư dành cho người di tản, chúng tôi bắt gặp hàng trăm người trong tâm trạng lo lắng. Song, tình người trong lũ xua đi nỗi lo sợ. Họ động viên, chia nhau những vò xôi để vượt qua cơn đói. Biết chúng tôi là phóng viên, chị Thoa (quê Thanh Hóa) cố gắng gượng dậy khi tay vẫn còn truyền nước biển do kiệt sức vì chạy lũ. "Anh ơi, cho em gửi lời đến ba mẹ ở quê, em vẫn an toàn. Từ hôm vỡ đập, điện thoại em bị cuốn trôi…" - chị nói giọng yếu ớt.
Không cầm lòng được trước những giọt nước mắt của chị Thoa, chúng tôi cố gắng báo tin sớm nhất đến gia đình chị, đồng thời gửi những đoạn video quay được về tòa soạn.
Khi vừa tạm kết thúc công việc ngày đầu tiên, chúng tôi đến nhà một người dân xin tá túc qua đêm. Chủ nhà là anh Savongsay, có con gái học tại TP Huế, sẵn lòng giúp đỡ. Anh thết đãi một bữa cơm mà chưa bao giờ chúng tôi thấy ngon và ấm cúng đến vậy.
Hôm sau, chúng tôi kịp theo chân đoàn cứu trợ của Chính phủ Lào đến một nơi cô lập với thế giới xung quanh trong nhiều ngày qua. Mùi xác động vật và cả thi thể người xộc thẳng vào mũi. Vì thiếu thức ăn, hàng ngàn người ở đây phải chia nhau từng lá cây. Cảnh tượng tan hoang cho thấy mức độ tàn phá ghê gớm mà cơn lũ gây ra. Từ vùng rốn lũ, những bản tin, hình ảnh chân thật nhất liên tục được chúng tôi gửi về tòa soạn...
Với chúng tôi, người làm báo như người lính, người chiến sĩ văn hóa, phải luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, chấp nhận dấn thân để kịp thời chuyển tải thông tin đến bạn đọc. Chính hành trình tác nghiệp không thể nào quên ấy đã tôi luyện, giúp chúng tôi vững vàng hơn cho cuộc hành trình phụng sự bạn đọc trong chức phận của mình.
Phóng viên PHẠM DŨNG:
Hạnh phúc không gì sánh bằng
Là phóng viên phụ trách lĩnh vực nội chính, theo dõi các phiên tòa, không ít lần tôi vui - buồn cùng nhân vật mà mình tiếp cận. Hạnh phúc lớn nhất của tôi chính là mang lại niềm vui, sự công bằng cho những người "vô phúc đáo tụng đình".
Phóng viên Phạm Dũng đưa tin từ một phiên tòa Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Còn nhớ những ngày mới bước chân vào nghề báo - năm 2012, tôi cảm thấy chua xót khi tham dự một phiên tòa do TAND quận 8, TP HCM xét xử về tội "Giao cấu với trẻ em". Trong vụ án này, bị cáo Y. bị tòa tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù. Vụ án khiến nhiều người quan tâm ở chỗ bị hại là một cô gái mồ côi cha mẹ, sống với bà ngoại tật nguyền, đã có với Y. 2 con. Chính bà ngoại cô đã đồng ý cho gia đình Y. mang cau trầu sang cưới cháu mình. Nếu Y. đi tù thì không ai nuôi 2 con nhỏ và một gia đình có nguy cơ tan vỡ.
Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài "Bi kịch lấy vợ trẻ con" ngày 29-11-2012, TAND Tối cao chỉ đạo các cấp ở TP HCM xem xét. Sáu tháng sau, TAND TP HCM xử phúc thẩm đã tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho Y. Theo cơ quan chức năng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng nước ta, tòa án tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với tội "Giao cấu với trẻ em". Sau phiên tòa, Y. đã ôm con nhỏ khóc nức nở. Khi cô gái đủ 18 tuổi, 2 người đăng ký kết hôn và sống hạnh phúc đến nay.
Cũng có lần, tôi nhận được thông tin một thanh niên lái xe tông chết công nhân vệ sinh ở khu vực trung tâm TP HCM nhưng cơ quan chức năng chậm xử lý. Những chứng cứ từ góc khuất của vụ tai nạn mà tôi thu thập đã được đưa ra ánh sáng công luận. 10 bản tin liên quan trên Báo Người Lao Động đã giúp gia đình nạn nhân đòi lại công bằng. Từ phản ánh của báo, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 thụ lý điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tuy nhiên, sau đó, TAND quận 1 xử sơ thẩm chỉ tuyên phạt bị cáo - tài xế 18 tháng tù cho hưởng án treo. Một bản án trái quy định của pháp luật, buộc một lần nữa Báo Người Lao Động lên tiếng. Kết quả, VKSND quận 1 kháng nghị yêu cầu tăng án và thanh niên gây tai nạn bị tuyên phạt 3 năm tù giam, buộc bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân.
Sự việc đã xảy ra nhiều năm nhưng đến tận bây giờ, cứ mỗi lần đến ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), tôi lại được gia đình nạn nhân gửi tặng một bó hoa, kèm theo dòng chữ khiến tôi cảm thấy ấm lòng: "... Mong nhà báo bút sắc, lòng son để phụng sự người dân".
Với tôi, viết báo để góp phần thay đổi cuộc sống, mang lại công bằng cho người bị hại, bị cáo trong một vụ án nào đấy, nếu họ gặp oan khuất, là niềm vui, hạnh phúc không gì sánh bằng.
Những trải nghiệm quý giá
Tôi đến với nghề báo như một cơ duyên. Chỉ khi được lăn xả với nghề, tôi mới thật sự thấm thía nghề báo vất vả, hiểm nguy mà nếu không cố gắng, mình sẽ bỏ cuộc.
Một lần, tôi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng mạo danh bác sĩ để tư vấn khám chữa bệnh nhằm móc túi bệnh nhân của một phòng khám có bác sĩ Trung Quốc tại quận 6, TP HCM. Tôi tìm cách trở thành nhân viên và xin vào ở ký túc xá của phòng khám để có thêm cơ hội thu thập chứng cứ. Sau một thời gian tôi "nằm vùng" tại đây, những mánh khóe, chiêu trò lừa đảo, trái đạo đức của phòng khám này đã được đưa lên Báo Người Lao Động. Ngay sau đó, tôi nhận được thông tin đe dọa, khủng bố.
Đáng nhớ nhất phải kể đến lần tôi tác nghiệp cùng các anh chị phóng viên thực hiện loạt bài "Vào thế giới bán trứng, mang thai hộ" (đoạt giải ba thể loại điều tra - Giải Báo chí TP HCM lần thứ 37). Để có được bằng chứng thuyết phục nhất, chúng tôi đã phải vào vai những người có nhu cầu mua bán trứng, mang thai hộ. Trong quá trình tiếp cận người môi giới và "ông trùm" của đường dây này, chúng tôi mất khá nhiều thời gian vì các đối tượng luôn rất cảnh giác, ma mãnh. Thậm chí, có lần, "ông trùm" nghi ngờ tôi là phóng viên nên bám theo tôi trên đường về nhà. Vì là nữ và đó là lần tác nghiệp độc lập nên tôi rất lo sợ. Sau đó, chúng tôi thay đổi cách tiếp cận, dàn dựng "kịch bản" khác khiến "ông trùm" tin cậy, không còn bám theo và đồng ý dẫn đến "hang ổ" - là nơi tuyển chọn, nuôi người mang thai hộ, tại một căn nhà ở quận 10, TP HCM. Từ đây, chúng tôi còn phát hiện, vạch trần đường dây mang thai hộ xuyên biên giới.
Bất an, sợ hãi là những điều mà tôi đã phải trải qua. Thế nhưng, đó lại là những trải nghiệm quý giá cho người mới chập chững vào nghề như tôi. Quả thực, người làm báo, nhất là thực hiện đề tài điều tra, luôn phải đối mặt với các mối đe dọa trước, trong và cả sau quá trình tác nghiệp. Chỉ có đam mê, chấp nhận dấn thân mới giúp những người làm báo trẻ như tôi trưởng thành hơn.
Ý Linh
Bình luận (0)