Giáo trình khô cứng, thi cho có
Nhiều bạn đọc báo động thực tế đau lòng khi người Việt trẻ còn rành sử Tây, sử Trung Quốc hơn sử Việt. Từ xa xưa, người Trung Quốc đã tiểu thuyết hóa các sự kiện lịch sử của họ nhằm thu hút người nước ngoài vào các sự kiện lịch sử của nước mình.
Trong khi đó, giáo trình môn sử trong nhà trường ở ta còn khô khan, khó học, khó nhớ vì “mê trận” sự kiện, con số, nhân vật. Nước ta cũng chưa có tiểu thuyết lịch sử nào thật hấp dẫn. Thế nên, học sinh chủ yếu chỉ học trong sách giáo khoa với những câu chuyện nghiêm túc đến mức khô cứng.
Tương tự, một bạn đọc ở huyện Củ Chi - TPHCM kể: “Tôi cũng từng đi học và việc phải nhồi nhét thật nhiều số liệu lịch sử vào đầu thì quả là rất ngán. Cố gắng để rồi hôm trước học, hôm sau lại quên. Học thế thì có ích gì?... Có lẽ đây là bài toán khó giải khi dân ta không thuộc sử ta?”.
Hàng ngàn bài thi môn sử điểm 0 chính là cái giá phải trả cho việc lơ là các môn xã hội nói chung và sử nói riêng. Theo thống kê tại Trường ĐH Cần Thơ năm nay, chỉ 151 thí sinh đạt điểm 5 môn sử trở lên, chiếm 2,7% thí sinh dự thi khối C (năm 2010 là 13,5%).
Bạn đọc Nguyễn Đước chia sẻ: “Học sinh hiện nay xem sử là môn phụ, môn học thuộc lòng nên trong các kỳ thi, kiểm tra bài…, các em thường học đối phó để đủ điểm trung bình. Trong khi đó, lúc kiểm tra, giáo viên cũng dễ dãi, xuề xòa cho qua bởi tâm lý “nghiêm khắc, khó dễ làm gì đối với môn phụ này?!”. Thế nên điểm thấp là điều không thể tránh.
Người soạn sách hãy đứng ở vị trí người học
Hiện tượng hàng ngàn bài thi môn sử điểm 0 đã diễn ra trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ những năm gần đây. Điều bất thường này sẽ dần trở nên bình thường nếu các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh xem đó là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Theo bạn đọc Minh Anh, những người soạn sách chưa đứng ở vị trí người học. “Với một khối lượng kiến thức quá lớn thì tại sao không chọn các vấn đề trọng tâm mà dạy?”. Bạn đọc Mai cho rằng nội dung sách sử quá nặng về chính trị, Bộ GD-ĐT nên linh động lồng ghép kiến thức lịch sử vào các bộ môn khác. “Tại sao môn toán toàn lấy ví dụ của A, của B mà không lấy chính nhân vật lịch sử? Ví dụ bài toán về vận tốc, hãy hỏi về cuộc hành quân của quân Tây Sơn ra Bắc đánh giặc Thanh. Hoặc ở môn vật lý, hãy yêu cầu học sinh ở vào vị trí của Trần Hưng Đạo, tính toán lịch thủy triều lên để diệt quân Nguyên. Trong chương trình đào tạo kỹ sư xây dựng, sao không đặt vấn đề “trong điều kiện bí mật, muốn xây dựng một đường ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam như bộ đội ta từng làm thì sẽ triển khai như thế nào?”…
Bạn đọc Dương Trần Ca đề nghị cần thống nhất giáo trình giảng dạy xuyên suốt 12 năm học thay vì để học sinh “nhai đi nhai lại” những nội dung trùng lắp. Bên cạnh đó, cần thay đổi giáo trình để làm nhẹ chương trình học.
“Tôi có cách học của riêng mình. Đối với những sự kiện, con số, tôi luôn có một cuốn sổ tay nhỏ để ghi chép những sự kiện, cột mốc lịch sử quan trọng, gạch đầu dòng những ý chính để dễ nhớ, dễ thuộc. Sau đó, bằng tư duy và cảm nhận riêng của mình, tôi viết một bài về lịch sử tốt nhất, hoàn chỉnh nhất...”. Bạn đọc Nguyễn Đước |
Bình luận (0)