Trung tâm Điều dưỡng Tâm thần Tân Định (gọi tắt Trung tâm Tân Định; xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) hiện có 1.337 bệnh nhân. Trong đó tất cả đều được tiếp nhận từ Trung tâm Điều dưỡng Người bệnh tâm thần TP HCM (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM).
Bị đánh, nhổ nước bọt
Sáng 11-5, dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trung tâm, ông Lê Nguyễn Minh Tuấn, phó giám đốc trung tâm, giới thiệu hiện trung tâm có 4 khoa nam, 3 khoa nữ, 1 khoa lao và 1 trạm xá để điều trị cho các bệnh nhân. Trên con đường từ trụ sở chính đến các khu nhà dành cho bệnh nhân sinh sống và điều trị, thỉnh thoảng chúng tôi nghe những tiếng la ó hay tiếng động mạnh từ bệnh nhân đang "lên cơn".
Dẫn chúng tôi vào thăm các bệnh nhân khoa A, y sĩ Dương Văn Tám, trưởng khoa, cho biết khoa có 165 bệnh nhân nam, lớn nhất 60 tuổi, nhỏ nhất 12 tuổi. Đây được xem là nơi có bệnh nhân "bình thường" hơn so với các khoa khác. Thấy chúng tôi, mọi người đều lễ phép chào hỏi.
"Khi mới chuyển tới điều trị, nhiều bệnh nhân thường la hét, chạy nhảy lung tung. Do đó việc nhân viên, hộ lý bị bệnh nhân đánh, nhổ nước bọt vào mặt xảy ra như cơm bữa. Riết rồi cũng quen. Cũng có trường hợp sau khi ngắt cơn, được mọi người xung quanh kể lại, bệnh nhân đã đến gặp chúng tôi xin lỗi, tỏ ra rất hối hận" - y sĩ Dương Văn Tám kể.
Hằng ngày từ 5 giờ đến 6 giờ, bệnh nhân được gọi dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng và uống thuốc, sau đó được đưa ra công viên vui chơi, phơi nắng. Từ 10 giờ đến 11 giờ 30 phút ăn trưa và nghỉ ngơi. Buổi chiều, bệnh nhân lại được vui chơi, giải trí và ăn tối lúc 16 giờ đến 17 giờ.
Tại khoa E, chúng tôi gặp bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Nhung, khá lanh lợi, tỉnh táo. Chị Nhung cho biết đã sống ở đây 12 năm. "Lúc trước em bệnh nặng lắm, được các cô thầy ở đây giúp đỡ, giờ em tỉnh táo, hết bệnh. Em vui lắm, em mong được gặp gia đình để trở về đời" - chị Nhung nói xong rồi xung phong đọc một bài thơ tự sáng tác để tặng các thầy cô ở trung tâm. "Có những người đơn sơ tà áo/ Vẫn lối cũ đi về sớm chiều/ Hy sinh cả quãng đời xuân sắc/Làm việc thiện giúp ích cho đời…".
Giới thiệu về khoa E, y sĩ Nguyễn Thị Thu Lương, trưởng khoa, kể đây là một trong ba khu dành riêng cho bệnh nhân nữ, trong đó có người đã gần 70 tuổi, nhỏ nhất 20 tuổi. Họ là những bệnh nhân cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt. "Ngoài ra, trong 8 khu điều trị, trạm y tế là nơi đặc biệt nhất, bởi tất cả các bệnh nhân khi trở nặng nguy hiểm đến tính mạng đều được đưa về đây. Khu cho các bệnh nhân lao cũng được ban giám đốc quan tâm đặc biệt, đòi hỏi nhân viên bám sát 24/24 giờ đề phòng khi bệnh nhân lên cơn để xử lý kịp thời. Còn khoa C hiện có 177 bệnh nhân nặng, đa phần không tự chăm sóc bản thân được..." - y sĩ Lương thông tin.
Bệnh nhân tâm thần tại khoa E Trung tâm Điều dưỡng Tâm thần Tân Định
Sợ nhất khi bệnh nhân... tỉnh táo
Chị Phạm Thị Hảo, một trong những nhân viên làm việc từ những ngày đầu thành lập trung tâm, cho biết nhiều bệnh nhân vào đây không có tên mà chỉ mang con số bệnh nhân, như bệnh nhân 336, bệnh nhân 442…vì họ không nhớ họ tên, quê quán hay người thân. Trong quá trình chăm sóc, cán bộ trung tâm "điều tra" lý lịch nhưng cũng khó tìm ra người thân cho họ do lời khai thay đổi liên tục, nay khai chỗ này, mai khai nơi khác. Sau này, khi gửi hồ sơ xác minh, cán bộ trung tâm chụp thêm vài tấm hình kèm theo để dễ nhận dạng nên những năm gần đây, có nhiều bệnh nhân đã tìm được người thân.
"Có bà mẹ khi gặp lại con đã vỡ òa trong hạnh phúc vì cứ tưởng con đã chết. Tuy nhiên, không ít trường hợp trốn tránh, không nhận vì sợ liên lụy khiến bệnh nhân tỉnh lại thấy rất buồn và đau khổ. Làm ở trung tâm nhiều năm nay, tôi sợ nhất là khi bệnh nhân tỉnh táo. Bởi lúc này họ biết mình đang mắc bệnh tâm thần, bị người thân ruồng bỏ nên có ý định tự tử" - ông Lê Công Hùng, Giám đốc Trung tâm Tân Định, tâm sự.
Cũng theo ông Hùng, Trung tâm Tân Định có 188 cán bộ, viên chức - người lao động, trong đó 1 bác sĩ, 69 điều dưỡng, 55 y sĩ, 3 dược sĩ và 8 hộ lý. Từ năm 2012 đến nay, trung tâm đã tìm kiếm được thân nhân cho 346 bệnh nhân và đã có 208 bệnh nhân được gia đình bảo lãnh.
"Để chăm lo cho bệnh nhân được tốt hơn, ngoài nguồn ngân sách của TP, hiện hằng năm cũng có nhiều nhà hảo tâm đến hỗ trợ nhu yếu phẩm. Hiện trung tâm thuê một đơn vị chuyên chế biến khẩu phần ăn cho bệnh nhân, tăng gia sản xuất tại chỗ để nâng cao chất lượng bữa ăn. Khó khăn nhất là thuốc đặc trị đối với bệnh nhân mỗi khi lên cơn mà một số bác sĩ sau khi đào tạo đã tìm chỗ làm việc mới vì điều kiện ở đây còn quá khó khăn. Thời gian tới, trung tâm mong muốn được cộng đồng chung tay hỗ trợ để công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân được tốt hơn" - ông Hùng nói.
"Hậu" chương trình "ATM thực phẩm miễn phí"
Tiếp nối chương trình "ATM thực phẩm miễn phí", từ ngày 12-5, Báo Người Lao Động tổ chức trao quà trực tiếp đến cơ sở bảo trợ xã hội, nhà mở, mái ấm khó khăn do dịch Covid-19. Cụ thể, trao quà tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè; Trung tâm Điều dưỡng Tâm thần Tân Định; Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, chùa Kỳ Quang 2; Trung tâm Nuôi trẻ mồ côi - Mái ấm Phúc Lâm; Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai, khu cách ly Đồn Biên phòng Mộc Hóa.
Bình luận (0)