Nghị định 86 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải có hiệu lực kể từ ngày 1-12-2014 nhưng chỉ đúng 1 năm sau, vào cuối năm 2015, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu chỉnh sửa.
Tuy nhiên, đến nay thời gian chỉnh sửa quá lâu, mất hơn 3 năm, mất hàng chục cuộc họp, tốn tiền của nhà nước và của cả doanh nghiệp nhưng vẫn chưa xong, ảnh hưởng sự nghiêm minh trong quản lý trật tự vận tải của nhà nước. Còn dân trong ngành vận tải hết xôn xao, ngán ngẩm, thất vọng rồi đến xấu hổ.
Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ này?
Nguyên nhân chính là do sự tranh cãi về phần mềm đặt xe dưới 9 chỗ, được xếp vào loại hình taxi hay hợp đồng. Chính sự tranh cãi này đang gây hệ lụy lớn cho trật tự quản lý hệ thống ngành vận tải toàn quốc. Như chúng ta biết, ngành vận tải đường bộ đâu chỉ có mỗi mình xe dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm đặt xe, tại sao bắt các loại hình kinh doanh vận tải khác phải liên lụy như: xe buýt, taxi, hợp đồng, xe du lịch, xe tuyến cố định, vận tải hàng hóa… Do đó, chúng tôi rất bức xúc trước sự bế tắc trong việc chậm trễ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 86.
Để giải quyết dứt điểm sự tranh cãi về xe dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm đặt xe, tôi đề xuất hai ý.
Thứ nhất, phải nhận thức đúng bản chất của sự việc. Ứng dụng công nghệ thông tin là tất yếu, là điều kiện sống còn của doanh nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0, bản thân các doanh nghiệp cũng đã nhận thức rõ điều này. Tuy nhiên, chúng ta không trừu tượng hóa, thần thánh hóa công nghệ 4.0! Ứng dụng công nghệ thông tin bằng các phần mềm đặt xe thực chất là công cụ hữu ích để quản lý, để tiếp thị, để bán sản phẩm vận tải nhằm giúp hành khách thuận lợi hơn để tiếp cận dịch vụ vận tải trong thời đại công nghệ 4.0 nhưng tuyệt đối không phải và không thể là loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới.
Ví dụ: Nghị định 119 đã có hiệu lực, kể từ sau ngày 1/11/2020 tất cả phải sử dụng hóa đơn điện tử, sẽ kéo theo làm vé điện tử cho xe buýt, xe tuyến cố định, bên cạnh đó các doanh nghiệp vận tải cũng xây dựng phần mềm điện tử để bán vé, để tiếp thị, để ký hợp đồng tận tay với khách hàng. Chẳng lẽ khi đó, xe buýt - xe tuyến cố định - xe du lịch đều chuyển sang gọi là xe hợp đồng điện tử; và chỉ duy nhất Việt Nam có loại hình kinh doanh "hợp đồng điện tử"! Và trật tự ngành vận tải của chúng ta đi về đâu? Do đó, đề nghị xóa bỏ thuật ngữ "xe hợp đồng điện tử", không thể tồn tại kiểu đánh tráo khái niệm mà hình thành cái gọi là "xe hợp đồng điện tử"!
Thứ hai, phải nhìn thẳng vào sự thật, tại sao đa số doanh nghiệp luôn muốn làm xe hợp đồng, hợp đồng điện tử? Vấn đề là các doanh nghiệp luôn lợi dụng tìm kẽ hở của Nghị định 86 để cứ tìm cách lách luật, lách quy định quản lý của Nhà nước, gây đau đầu cho chính quyền địa phương, gây khó khăn vô vàn cho các cấp quản lý vận tải của Nhà nước; hệ lụy rất lớn là tạo ra rối loạn trật tự quản lý giao thông đô thị ở các địa phương... Cụ thể tại các thành phố lớn như TP Hà Nội, TP HCM, tình trạng các nhà xe lợi dụng mác "Xe Hợp Đồng" để vận tải hành khách liên tỉnh không chịu vào bến xe Nhà nước đã quy định mà tạo ra hàng chục, hàng trăm bến xe lậu, ở các quận - huyện nào hầu như cũng có...
Ngoài ra, có một sự thật không bàn cãi nữa, đó là xe dù, xe khách, xe taxi trá hình biến tướng từ xe hợp đồng mà ra, nhằm đối phó các cơ quan nhà nước và trốn hoặc không đóng thuế đầy đủ. Các nhà xe lợi dụng mác "Xe Hợp Đồng" để kinh doanh không xuất hóa đơn, không xuất vé vận tải hành khách theo quy định của cơ quan thuế. Và đó là một trong những mục tiêu của dự thảo Nghị định hướng đến, phải chấn chỉnh, giải quyết cho được.
Tôi ví dụ, đơn vị sử dụng phần mềm ứng dụng đặt xe qua app để kinh doanh. Sau mỗi 1 chuyến đi, hành khách đều phải trả chi phí cho chuyến đi đó, ví dụ chi phí chuyến đi là 100.000 đồng. Vậy thì 100.000 đồng này chính là đã phát sinh doanh thu kinh doanh vận tải của doanh nghiệp đó hoặc các cá nhân thực hiện vận chuyển của chuyến đi đó. Vì vậy, tất cả các doanh nghiệp hoặc cá nhân đăng ký là thành viên hợp tác xã để hàng ngày thực hiện việc vận chuyển hành khách có thu tiền thì buộc phải đóng 10% thuế VAT cho Nhà nước theo luật định.
Hàng chục năm nay, các công ty kinh doanh loại hình taxi truyền thống đều thực hiện đóng thuế VAT đúng quy định, dựa trên tổng doanh thu cước vận tải mỗi chuyến đi. Do đó, người viết bài này kiến nghị Tổng cục Thuế, Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ cần làm rõ tiền thuế VAT mà người dân đã chi trả sau mỗi chuyến đi đang nằm ở đâu, nằm túi ai?
Qua các phân tích trên, xin kiến nghị:
- Tất cả các doanh nghiệp có phần mềm ứng dụng đặt xe, các hợp tác xã (có các cá nhân đăng ký là thành viên chạy ôtô dưới 9 chỗ và xe máy 2 bánh phải luôn thượng tôn pháp luật, thuế phải thu đúng thu đủ - để đóng đúng đóng đủ cho cơ quan thuế - và dù bất kỳ lý do gì sau khi doanh thu vận tải (doanh thu thu tiền 1 cuốc xe phát sinh thì trước hết phải đóng đúng đóng đủ 10% thuế VAT).
- Ủng hộ phương án quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm đặt xe là xe taxi (không có loại hình xe sử dụng hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ, nhằm sớm lập lại trật tự kỷ cương trong ngành vận tải, lập lại trật tự quản lý đô thị, tránh tối đa thất thu thuế.
- Việc lắp thiết bị camera trên phương tiện vận tải: Việc này có doanh nghiệp như Futa BusLines đã lắp camera trên xe khách cách đây hơn 10 năm, phục vụ rất tốt cho công tác quản lý. Tuy nhiên, việc bắt buộc lắp camera cũng sẽ gây khó khăn cho các nhà xe nhỏ lẻ. Rút kinh nghiệm từ việc lắp thiết bị giám sát hành trình GPS, hiện cơ quan quản lý nhà nước không sử dụng tối ưu tài nguyên của GPS, lực lượng sản xuất thay đổi nhưng quan hệ sản xuất không thay đổi kịp, dẫn đến lãng phí trong đầu tư. Theo chúng tôi, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp tự lắp gắn thiết bị camera.
Quản lý không tốt khiến xe dù bến cóc tràn lan. Trong ảnh: Hành khách ngồi vật vạ chờ xe xuất bến tại bãi xe ở đường Đinh Bộ Lĩnh Ảnh: Gia Minh
Bình luận (0)