Đa phần mọi người thường để ý đến những trường hợp bạo lực gây tổn thương nghiêm trọng hoặc số lượng đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhưng lại dễ dàng bỏ qua những vụ có mức độ ảnh hưởng nhỏ hơn hoặc tính nhận diện chưa cao. Theo quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hầu hết các vụ bạo lực nghiêm trọng đều có nguyên nhân bắt nguồn từ việc người gây án bị ảnh hưởng bởi môi trường bạo lực sẵn có hoặc trước đó đã có những hành vi bạo lực ít nghiêm trọng nhưng lại có tính leo thang dần.
Nhận diện nguy cơ bạo lực
Rõ ràng, khi nhìn vấn đề bạo lực trong xã hội, việc quan tâm giải quyết bạo lực thường xuyên với quy mô nhỏ hơn sẽ có khả năng giải quyết vấn đề này tận gốc rễ.
Theo WHO, để phòng chống rủi ro bạo lực diễn ra trong cộng đồng, việc xây dựng một hệ sinh thái ngăn ngừa và ứng phó sẽ có hiệu quả hơn so với việc xử lý vấn đề theo từng sự vụ hoặc nâng mức hình phạt cho các vụ án xảy ra.
Bạo lực khá đa dạng về động cơ, cách biểu hiện, có liên quan đến sức khỏe tinh thần hay tâm lý học và cần được sớm nhận diện ngay từ giai đoạn có nguy cơ. Do đó, không thể chỉ nhìn nhận đơn lẻ ở một vài tình huống hoặc một vài người cụ thể.
Để nhận biết nguy cơ mà một người có thể rơi vào tình trạng bạo lực, hệ sinh thái cần được đánh giá, tạo dựng, xem xét và thiết kế trên cá nhân người đó những mối quan hệ, cộng đồng và xã hội nơi họ sinh sống. Cá nhân mỗi người sẽ có khuynh hướng bị ảnh hưởng bởi môi trường sống và hành vi của những người xung quanh để đưa ra quyết định hay cách hành xử.
Một nhóm thiếu niên chém chết người vì mâu thuẫn trên Facebook Ảnh: PHẠM DŨNG
Những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có tiền sử tâm lý bạo hành hoặc có khuynh hướng sử dụng các chất kích thích sẽ là nạn nhân và cũng có khả năng cao trở thành thủ phạm gây ra những hành vi gây tổn thương đến người khác.
Hơn nữa, bạo lực cũng đến từ văn hóa và truyền thống của các gia tộc, quốc gia hay cộng đồng. Trong khi một số nơi có khuynh hướng ôn nhu, mềm dẻo trong cách ứng xử thì những nơi khác có thể thích sử dụng ngôn từ thô lỗ hay nắm đấm để giải quyết vấn đề. Điều này nhiều khả năng được quyết định bởi lịch sử quan hệ, vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên.
Nên nhìn một góc độ nào đó, vấn đề bạo lực cũng có thể xem là một yếu tố mang tính di truyền qua nhiều thế hệ. Vì vậy, ngay từ trong những phạm vi nhỏ như gia đình, nhà trường, khu phố..., cần chú ý xây dựng, tạo lập môi trường lành mạnh, nghiêm túc giải quyết, xử lý các tình huống có xu hướng bạo lực dù ở cấp độ nhỏ, chưa nghiêm trọng.
Tác động của các thể chế
Nhìn bạo lực dưới góc độ cộng đồng, đối tượng xem xét lúc này sẽ là không gian nơi có nguy cơ xảy ra hành vi xâm hại như trường học, đường phố, nơi làm việc... Sự phát triển kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp, mật độ dân số, trình độ dân trí, chất lượng trật tự an ninh là những yếu tố đằng sau có tác động trực tiếp lên những không gian chung này.
Đối với những đô thị có mức độ nhập cư cao, vấn đề hạ tầng không theo kịp để đáp ứng thực trạng gia tăng dân số và nhu cầu phát triển kinh tế cũng là một lý do khá phổ biến dẫn đến các hành vi gây hấn lẫn nhau.
Ngoài ra, một giải pháp mang tính kỹ thuật có thể giúp kiểm soát các nguy cơ bạo lực đó là việc quy hoạch các khu đô thị có đặc điểm an toàn cao như tạo không gian tăng khả năng kiểm soát lẫn nhau hoặc những thiết bị có chức năng bảo vệ những đối tượng dễ tổn thương như camera theo dõi...
Cuối cùng, yếu tố mang tính xã hội ảnh hưởng đến hành vi bạo lực thường được xem xét dưới góc độ của các thể chế chính thức và phi chính thức tác động đến các hoạt động của mọi đối tượng. Thể chế chính thức đến từ hệ thống pháp luật, các chính sách về vấn đề bình đẳng trong các cơ hội, các khung pháp lý đi kèm các chế tài hay cơ chế khuyến khích sẽ hỗ trợ hữu hiệu trong việc kiểm soát các hành vi giúp ngăn chặn các vấn đề bạo lực.
Thể chế phi chính thức sẽ đến từ các chuẩn mực xã hội sẵn có, quan điểm về sự thống trị, phân công lao động xã hội hay cái nhìn và ứng xử với các hành vi thô lỗ sẽ có ảnh hưởng rất rõ rệt đến khả năng xảy ra nguy cơ bạo lực trong một xã hội.
Xem xét dưới nhiều góc độ
Nhìn chung, vấn đề bạo lực trong xã hội gần đây đang "nóng". Nếu nhìn nhận một cách thấu đáo và toàn diện thì phải được xem xét dưới nhiều góc độ và cần sự tham gia của các đối tượng, khu vực đa dạng để cùng kiến tạo hệ sinh thái đẩy lùi bạo lực. Nếu chỉ xem xét vấn đề bạo lực theo từng sự vụ hay từng nhóm đối tượng khi có một tiếng chuông cảnh báo thì vấn đề này sẽ khó lòng được ngăn ngừa hữu hiệu và qua thời gian, các hành vi tiêu cực càng khó lường và tinh vi hơn, khiến vấn đề bạo lực khó kiểm soát và không thể được giải quyết dứt điểm.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-8
Bình luận (0)