"Giềng mối" được đề cập trong gia đình mang hàm nghĩa khuôn phép, kỷ cương, nề nếp tạo nên những nét văn hóa của gia đình Việt Nam.
Tiếp nối dòng chảy văn hóa
Những nét văn hóa này tồn tại bền vững trong suốt chiều dài lịch sử, được xã hội, cộng đồng cũng như từng gia đình thừa nhận, hướng tới, lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau.
Trong mối quan hệ vợ chồng, đề cao sự thủy chung, tôn trọng lẫn nhau "tương kính như tân". Giữa anh chị em đề cao sự hòa thuận, nhường nhịn, giúp đỡ. Quan hệ giữa cha mẹ, ông bà với con cháu đề cao sự hy sinh, tình thương, sự chăm sóc, hiếu thảo, lòng biết ơn, kính trọng.
Ngoài ra, gia đình trong mối quan hệ với cộng đồng còn thể hiện qua truyền thống yêu nước; đoàn kết cộng đồng; tôn sư trọng đạo, hiếu học; các phong tục, tập quán trong cưới xin, ma chay, giỗ, Tết…
Những nét đẹp này được vun đắp qua nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ. Từ đó, tạo sợi dây liên kết bền chặt giữa các thành viên, các thế hệ, khiến cho dòng chảy văn hóa không bị đứt đoạn mà luôn có sự tiếp nối thường xuyên, liên tục.
Một gia đình 3 thế hệ giữ thói quen “hẹn hò ngoài tổ ấm” mỗi cuối tuần Ảnh: NGỌC CHÂU
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam có bước chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại trên nhiều phương diện và xu hướng khác nhau. Đây là sự chuyển đổi hết sức phức tạp khi trong xã hội tồn tại những quan niệm khác nhau về giá trị, chuẩn mực.
Thực tế hiện nay cho thấy trên nền tảng gia đình truyền thống, các gia đình đang có nhiều thay đổi trong quan hệ vợ chồng. Thay đổi từ cách ứng xử, sự phân công lao động đến giải quyết công việc gia đình với xu hướng vươn tới cái mới, đề cao lợi ích, hạnh phúc, nguyện vọng cũng như tính độc lập của mỗi cá nhân.
Vợ chồng lấy tình yêu làm cơ sở để bàn bạc trong mọi việc, tôn trọng ý kiến con cái. Mỗi thành viên trong gia đình cũng đã "gạn đục khơi trong", chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài… để xây dựng thêm các chuẩn mực phù hợp với giai đoạn hội nhập và phát triển.
Gạn đục khơi trong
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận trong bối cảnh đô thị hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự gắn kết của các thành viên trong gia đình có dấu hiệu lỏng lẻo, thiếu tính bền vững hơn trước khiến hạnh phúc gia đình trở nên mỏng manh.
Cấu trúc gia đình dễ bị đổ vỡ hơn bởi sự suy thoái đạo đức với lối sống thực dụng, coi trọng làm ăn kinh tế hơn giáo dục con cái. Tư tưởng coi thường đạo lý và pháp lý, các tệ nạn xã hội, làm ăn lừa đảo, du nhập lối sống ngoại lai, sự lơi lỏng thiếu kèm cặp của gia đình đối với các thành viên… khiến cho tình cảm gia đình phai nhạt, con cái dần sống xa rời cha mẹ, bổn phận hiếu kính không trọn vẹn.
Những điều trên dẫn tới vô số hệ lụy đáng tiếc. Bởi vậy, trước tác động đa chiều của xã hội hiện đại, nhất là hội nhập quốc tế, cần phát huy nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam bằng nhiều phương thức khác nhau nhằm lưu truyền và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời tạo nền tảng xây dựng gia đình hiện đại.
Hành trình giáo dục thường bắt đầu từ những năm tháng đầu đời của mỗi người đến khi trưởng thành và tự chịu trách nhiệm về bản thân. Thông qua giáo dục, gia đình tạo cho con cái cách ứng xử phù hợp như sự quan tâm, lễ phép, hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới... Vì thế, trong giáo dục gia đình, rất cần người lớn nêu gương cho trẻ nhỏ học tập, làm theo những điều tốt đẹp, có giá trị văn hóa, đạo đức cao quý.
Trong giáo dục, việc tạo điều kiện để con cái được nêu chính kiến, quan điểm, thậm chí phản biện một vấn đề nào đó cũng rất cần thiết. Giáo dục hiện đại khuyến khích phát hiện, khơi dậy năng lực, bản lĩnh mỗi cá nhân, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển nhân cách. Nên xây dựng môi trường giáo dục gia đình có tính dân chủ, bình đẳng cũng là cách giúp các thế hệ gia đình hiểu nhau hơn, nắm bắt được những biểu hiện trong đời sống thường ngày để từ đó kịp thời góp ý, định hướng cho con cái, giúp chúng biết điều chỉnh, hoàn thiện bản thân.
Xây dựng và phát triển nề nếp, kỷ cương của gia đình Việt Nam trong bối cảnh đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Nhiệm vụ này hiện thực hóa tầm nhìn, chủ trương, khát vọng về xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc.
Cái nôi của nhân cách
Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường bảo đảm cho sự phát triển của mỗi cá nhân. Không có những gia đình tốt thì không thể có được những người công dân tốt, càng không thể có được một xã hội tốt.
Đây cũng là nơi truyền thụ kinh nghiệm, lối sống, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng xã hội... Những điều đó tạo nên "giềng mối", cần được giữ gìn và phát huy.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-6
Bình luận (0)